Trong nước

Ông Vũ Khoan: "Tôi vẫn nhớ cảm giác bị cô lập và sức ép nặng nề”

“Hồi chúng ta bị cô lập chính trị, bị bao vây kinh tế, cán bộ ngoại giao tham dự các hội nghị quốc tế rất cực vì bị cô lập hoàn toàn. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn nhớ như in về một thời gian khó.

LTS:Năm 2016 là năm đánh dấu chặng đường 30 năm ĐỔI MỚI và phát triển của đất nước. Từ một đất nước thu nhập kém, chậm phát triển, nay Việt Nam đã là một nước thu nhập trung bình, từ một đất nước trong thế bị bao vây cấm vận nay đã bình thường hóa quan hệ với hầu hết các quốc gia, tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế, và ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Để đạt được những thành tựu đó có phần đóng góp tích cực của hoạt động đối ngoại.

Tiếp mạch bài nhìn lại 30 năm ĐỔI MỚI, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Đối ngoại đã trợ thủ đắc lực cho đối nội

Năm 2016 đánh dấu chặng đường 30 năm ĐỔI MỚI và phát triển của đất nước, là người đã có những đóng góp lớn trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước, theo ông, cơ sở thực tiễn của công cuộc ĐỔI MỚI (trong lĩnh vực đối ngoại) đó là gì? Ông còn nhớ bối cảnh đất nước lúc bấy giờ như thế nào?

Ông Vũ Khoan: Đường lối, chính sách đối ngoại luôn xuất phát từ lợi ích và nhu cầu của đất nước cũng như cục diện thế giới, những xu thế lớn trên thế giới. Đối với nước ta, vào cuối những năm 80 thế kỉ trước nổi lên 3 câu chuyện.

Thứ nhất, đất nước ta bị khủng hoảng kinh tế - xã hội rất sâu sắc. Lúc bấy giờ nước ta trải qua cuộc lạm phát như phi mã, riêng năm 1986 chỉ số giá cả tăng lên gần 800%. Hồi đó tôi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô về mua được cái xe đạp và đã bán đi gửi tiền tiết kiệm phòng thân. Thế nhưng đến lúc đổi tiền thì giá trị xe đạp chỉ còn đủ mua được mười quả trứng. Tôi lấy ví dụ như vậy để hiểu lúc bấy giờ đời sống khó khăn nhường nào.

Lúc đó, Bộ Ngoại giao coi việc góp phần kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới chống lạm phát như thế nào để góp phần xử lí nạn lạm phát ở Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào".Ảnh: infonet

Thứ hai, từ năm 1979, đất nước ta rơi vào thế bị cô lập về chính trị và bao vây về kinh tế với cái cớ là “Việt Nam đưa quân xâm lược Campuchia”. Thực ra đó là cái cớ nguỵ tạo vì quân tình nguyện Việt Nam đã hi sinh xương máu để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Lúc ấy, cán bộ ngoại giao tham dự các hội nghị quốc tế rất cực vì bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt anh chị em hoạt động ở Liên Hợp Quốc đã gánh chịu nỗi khổ đó vì bất kì cuộc họp nào họ cũng nêu vấn đề Campuchia để công kích ta.

Tôi được phân công xử lí vấn đề người ra đi bằng thuyền, do đó đã dẫn đầu một đoàn sang dự Hội nghị ở Kuala Lumpur về chủ để này, cho đến nay tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi bị cô lập tại hội nghị và chịu sức ép nặng nề như thế nào.

Thứ ba, các nước đồng minh chủ yếu của nước ta lúc đó là Liên Xô và các nước Đông Âu. Cuối những năm 80 thế kỉ trước, các nước này rơi vào khủng hoảng ngày càng sâu sắc. Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, năm 1991 thì Liên Xô tan rã. Cộng đồng xã hội chủ nghĩa giải thể đã gây tác động nghiêm trọng đến nước ta vì chỉ riêng về kinh tế, viện trợ của các nước này chiếm tới trên dưới 70% ngân sách của nước ta.

Tôi còn nhớ lúc ấy Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn về những đối sách kinh tế. Đồng chí Đỗ Mười cho biết tình hình kinh tế đất nước rất khó khăn, những mặt hàng chủ yếu như sắt thép, xăng dầu, phân bón… đều gần cạn và yêu cầu các ngành phải tìm mọi biện pháp để cứu vãn tình hình.

Tôi nêu 3 đặc điểm trên để thấy tình hình trong nước lúc đó bức bách thế nào. Người ta nói chính sách đối ngoại là sự nối tiếp của chính sách đối nội. Theo tôi, nói như vậy là đúng nhưng chưa đủ, mà cần phải hiểu chính sách đối ngoại là trợ thủ của chính sách đối nội.

Đại hội VI đã được tiến hành vào thời điểm có những đặc điểm nói trên và đã đưa ra những quan điểm rất mới mang tính đột phá được gọi là đổi mới tư duy. Riêng về phần đối ngoại, lần đầu tiên văn kiện Đảng đã nói tới quá trình quốc tế hoá và đánh giá rằng trên thế giới đang hình thành một thị trường một nền kinh tế, trong đó các nền kinh tế vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Những ý tưởng ĐỔI MỚI như vậy rất quan trọng, không có chúng thì không thể có chính sách mở cửa mà sau này chúng ta gọi là hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau Đại hội VI, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết sách rất quan trọng. Ví dụ, Đảng và Nhà nước ta đã nhấn mạnh lợi ích cao nhất của đất nước là tranh thủ điều kiện hoà bình để phát triển từ đó đã quyết định rút quân tình nguyện khỏi Campuchia, thúc đẩy quá trình tìm kiếm giải pháp hoà bình cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và các nước ASEAN…

Những quyết sách như vậy đã đặt nền tảng cho đường lối chính sách ngoại giao suốt 30 năm qua.

Chúng tôi có thể hiểu, Đại hội VI mới chỉ manh nha ý tưởng, còn Đại hội VII mới thực sự là bước ngoặt hình thành nên chính sách đối ngoại thời kì ĐỔI MỚI có đúng không, thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Đúng vậy. Đại hội VI của Đảng đã phát động công cuộc ĐỔI MỚI toàn diện cả về đối nội lẫn đối ngoại. Tuy nhiên, riêng về đối ngoại, Đại hội mới đưa ra một số cách tiếp cận mới song chưa hình thành một chính sách toàn diện. Phải tới Đại hội VII, đường lối chính sách đối ngoại trên tinh thần ĐỔI MỚI mới hình thành. Đặc biêt, Hội nghị TƯ 3 khoá VII đã thông qua Nghị quyết về chính sách đối ngoại chính trị lẫn kinh tế. Như vậy có thể nói, Đại hội VII là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp ĐỔI MỚI về đối ngoại.

Những tư tưởng Đại hội VI là mang tính mở đường, cởi bỏ những tư duy giáo điều, lạc hậu.

Mạnh dạn bước sang con đường đúng

Ông có thể phân tích kỹ hơn về những điểm mới trong chính sách đối ngoại của thời kì ĐỔI MỚI mà chúng ta đã trải qua?

Ông Vũ Khoan: Đường lối chính sách đối ngoại trong thời kì ĐỔI MỚI chứa đựng rất nhiều điều mới mẻ.

Bất kì quốc gia nào từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều theo đuổi ba mục tiêu đối ngoại: giữ vững độc lập chủ quyền, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước mình. Trong thời kì ĐỔI MỚI, chúng ta cũng xác định 3 mục tiêu chủ yếu đó. Chúng gắn kết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhiệm vụ tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm vì trong chính sách đối nội phát triển kinh tế - xã hội được coi là nhiệm vụ trung tâm.

Nói như vậy không có nghĩa là nới lỏng mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế của đất nước. Vấn đề chỉ là xếp đặt trình tự ưu tiên, định hướng cho hoạt động đối ngoại trên thực tế.

Để thực hiện những mục tiêu nói trên thì đường lối chính sách đối ngoại phải xác định được tư tưởng chủ đạo. Đảng và Nhà nước ta đã xác định tư tưởng chủ đạo coi lợi ích dân tộc là tối thượng. Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà trước sau như một, vẫn nhận rõ trách nhiệm quốc tế của mình là đóng góp vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Thể theo tư tưởng chỉ đạo trên, chúng ta luôn luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; còn làm thế nào để thực hiện mục tiêu đó thì chúng ta vận dụng tư tưởng của Bác Hồ là dĩ bất biến ứng vạn biến, vận dụng các sách lược thiên biến vạn hoá, cơ động linh hoạt. Bây giờ, những điều này trở nên rất quen thuộc, nhưng 30 năm trước thật ra không đơn giản vì chúng ta đã sống và hoạt động trong chiến tranh lạnh khi thế giới bị phân chia hai cực.

Đi liền với việc xác định mục tiêu và tư tưởng chỉ đạo, Đảng đã đề ra một loạt các phương châm tư tưởng chỉ đạo.

Nếu như trước đó chúng ta tuân theo phương châm đứng hẳn về cộng đồng xã hội chủ nghĩa thì trong thời kì ĐỔI MỚI, khi cộng đồng Xã hội chủ nghĩa không còn thì ta chủ trương theo đuổi chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quán hệ quốc tế. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới sau thời kì chiến tranh lạnh.

Các vị lãnh đạo cấp cao bỏ phiểu tại Đại hội VI. Ảnh tư liệu.

Một phương châm khác là chúng ta chủ trương trong quan hệ quốc tế luôn luôn có hai mặt: hợp tác và đấu tranh. Thực ra trong thế giới ngày nay mỗi quốc gia đều theo đuổi lợi ích riêng của mình; có khi những lợi ích đó song trùng nhau nhưng cũng có nhiều khi lợi ích quốc gia khác biệt nhau. Về sau này, chúng ta làm rõ mối quan hệ giữa “đối tác” và “đối tượng”.

Điều đó có nghĩa là, trong khi là đối tác với nhau vẫn có sự khác biệt cần được xử lí; tuy có khi là đối tượng tranh chấp song vẫn có những điểm song trùng lợi ích. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ biện chứng trong mối quan hệ quốc tế. Tinh thần chung của chúng ta là hợp tác càng nhiều càng tốt song không lệ thuộc; khi có sự khác biệt, mâu thuẫn thì tìm cách giải quyết chủ yếu bằng phương pháp ngoại giao, đàm phán hoà bình, tránh làm đổ vỡ quan hệ quốc tế.

Một phương châm khác mà chúng ta theo đuổi là “thêm bạn, bớt thù”. Chính vì vậy mà từ Đại hội VII trở đi, ta đã nêu tư tưởng Việt Nam muốn làm bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và ta đã xây dựng đối tác chiến lược, toàn diện với nhiều quốc gia trong đó có tất cả các nước lớn trên thế giới. Tư tưởng này Bác Hồ đã nêu năm 1946 khi khẳng định: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không gây thù oán với ai.

Trong mối quan hệ quốc tế, chúng ta đã có bước điều chỉnh quan trọng theo hướng dành mối quan tâm hàng đầu cho sự hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á Thái Bình Dương nói chung, đồng thời coi trọng quan hệ với các nước lớn trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lãng quên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, với các nước dân tộc độc lập và các lực lượng ưa chuộng hoà bình và công lí trên thế giới.

Một chính sách lớn trong thời kì ĐỔI MỚI là chủ trương hội nhập quốc tế. Thực ra, cụm từ “hội nhập kinh tế quốc tế” chỉ xuất hiện năm 1995 tại Đại hội VIII và kể từ Đại hội X chúng ta nêu chủ trương hội nhập quốc tế nói chung chứ không riêng gì hội nhập kinh tế quốc tế.

Như mọi người đều biết ngày nay, nước ta bước vào thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng chưa từng có với hàng loạt các thoả thuận về khu mậu dịch tự do với 55 quốc gia đồng thời Việt Nam tham gia rất tích cực vào các thể chế chính trị, an ninh, văn hoá, xã hội của thế giới.

Chính sách đúng là rất quan trọng, nhưng trong ngành ngoại giao, nhiều khi bước đi lại quyết định thành bại chứ không chỉ là vấn đề chính sách. Chúng ta đã có những bước đi ngoại giao trong bối cảnh đất nước ĐỔI MỚI như thế nào thưa ông?

Ông Vũ Khoan: Đúng như vậy, để đường lối chính sách được thực hiện thành công, trong ngoại giao “bước đi” có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ sau Đại hội VI, chứ không cần đợi đến Đại hội VII, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định phải ưu tiên giải quyết vấn đề Campuchia.

Theo hướng đó, ta đã chủ động quyết định sớm hoàn tất việc rút quân khỏi Campuchia, mở đường cho Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia. Đó chính là khâu đột phá để đầy lùi chính sách bao vây cô lập Việt Nam.

Tận dụng khâu đột phá đó ta đã bình thường hoá quan hệ với các nước trên thế giới.

Tôi còn nhớ, lúc ấy Bộ Chính trị quyết định tiến hành một loạt chuyến thăm cấp cao đi các nước. Vấn đề chỉ là đi nước nào trước, nước nào sau. Trong một cuộc họp lúc đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã gọi tôi ra một góc phòng để trao đổi xem hành trình nên như thế nào cho hợp lí.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, đoàn Chính phủ ta do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu đã đi thăm một loạt nước Đông Nam Á; đoàn đại biểu cấp cao do Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã đi thăm Trung Quốc, tiếp tới là các chuyến thăm Nhật Bản, Austraylia, NewZealand rồi tới Châu Âu.

Trong tình hình đó, Hoa Kì đã từng bước xoá bỏ chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Năm 1995 đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta.

Đó là những mốc quan trọng đánh dấu việc đẩy lùi chính sách bao vây cô lập Việt Nam.

Trong sự nghiệp hội nhập quốc tế, chúng ta cũng đi từng bước từ thấp đến cao: bình thường hoá quan hệ với các tổ chức tiền tệ quốc tế, gia nhập ASEAN năm 1995, tham gia ASEM 1996; tham gia APEC năm 1998; kí Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kì năm 2000; gia nhập WTO năm 2006….

Còn nữa

Tác giả bài viết: Kỳ Duyên - Lan Anh – Huỳnh Phan

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP