Sáng 25-4, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và hai con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981), Trần Ngọc Bích (SN 1984).
Xuyên suốt quá trình toà tuyên án, ông Thanh ngồi cúi đầu.
HĐXX tuyên án đối với cha con ông Trần Quí Thanh |
HĐXX cho biết bên cạnh việc xem xét hành vi phạm tội, toà án còn áp dụng các tình tiết tăng nặng (phạm tội hai lần trở lên). Cùng với đó, áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo như: có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; chủ động tác động người thân nộp hơn 183 tỉ đồng khắc phục hậu quả; thực tế các bị cáo chỉ chiếm đoạt tài sản của bị hại trên giấy tờ, hiện tài sản này vẫn do bị hại sử dụng; các bị cáo có đóng góp cho việc phát triển kinh tế, xã hội; Phương và Bích phạm tội phụ thuộc theo chỉ đạo của bố...
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù; Trần Uyên Phương 4 năm tù; Trần Ngọc Bích 3 năm tù cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
HĐXX nhận định bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án và phải chịu trách nhiệm với toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt. Qua quá trình xét xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo HĐXX, đủ cơ sở xác định trong thời gian từ năm 2019-2020, ông Thanh thông qua môi giới đã cho 4 cá nhân - gồm Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung, Đặng Thị Kim Oanh - vay tiền với lãi suất 3%/tháng.
Bị cáo Trần Quí Thanh và 2 con gái |
Tuy nhiên, các bên không lập hợp đồng cho vay, thay vào đó là lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản/cổ phần của các dự án mà bên vay sở hữu để che giấu bản chất vụ việc. Sau đó, ông Thanh cho 2 con gái làm thủ tục sang tên tài sản của bên vay. Đôi bên cam kết sẽ cho những người vay tiền mua lại tài sản khi trả xong nợ gốc, lãi theo trong thời gian thoả thuận.
Đến khi bên vay muốn trả nợ gốc, lãi thì cha con ông Thanh nại lý do quá hạn hoặc gây khó khăn để từ chối thanh toán, tăng lãi phạt, làm cho người vay không thể hoàn tất việc trả nợ. Từ đó, cha con ông Thanh cho rằng bên vay không thực hiện đúng cam kết vay tiền, xác định người vay "mất quyền mua lại tài sản".
HĐXX xác định các hợp đồng giao dịch dân sự chuyến nhượng tài sản trên là giả tạo, trái pháp luật. Tổng giá trị tài sản mà 3 cha con chiếm đoạt của các bị hại là hơn 1.000 tỉ đồng.
Các cá nhân đóng vai trò môi giới gồm Nguyễn Hoàng Phú, Đoàn Nguyễn Minh Hoàng. Nguyễn Phi Long đã được hưởng tiền môi giới theo thỏa thuận dựa trên số tiền bị hại cần vay. Trong đó, Nguyễn Phi Long được hưởng 700 triệu đồng, Đoàn Nguyễn Minh Hoàng 2,5 tỉ đồng; Nguyễn Hoàng Phú 23,65 tỉ đồng (từ khoản vay của bà Đặng Thị Kim Oanh và ông Lâm Sơn Hoàng).
Tuy nhiên, sau khi môi giới thì những người này không biết mục đích của cha con ông Thanh là cho vay để chiếm đoạt tài sản của bị hại. HĐXX cũng xác định các cá nhân môi giới không giúp sức cho cha con ông Thanh.
Đối với giao dịch vay tiền của các bên, toà án cũng giải quyết trong phiên xét xử này. Theo đó, HĐXX buộc các bị hại trả lại tiền đã vay của ông Thanh.
Cụ thể, ông Lâm Hoàng Sơn hoàn trả 115 tỉ đồng, ông Nguyễn Huy Đông trả 78,4 tỉ đồng; ông Nguyễn Văn Chung trả 34,7 tỉ đồng; bà Đặng Thị Kim Oanh trả hơn 235 tỉ đồng. Đồng thời, huỷ bỏ tất cả các giao dịch, văn bản liên quan những khoản tiền trên.
HĐXX cũng không đồng ý ông Thanh bồi thường "thiệt hại lợi thế kinh doanh" theo yêu cầu của bà Oanh.
Bên cạnh đó, HĐXX còn buộc những người môi giới trả lại tiền, trừ Đoàn Nguyễn Minh Hoàng, do bị hại không có yêu cầu.
Tác giả: Minh Diễm - Ý Linh
Nguồn tin: Báo Người Lao động