Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk. |
Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khách hàng mua khăn lụa Việt Nam vì tình yêu, chất lượng cũng như mẫu mã và sự tin tưởng đặt vào lụa Việt giờ đã bị ông Khải Silk xúc phạm.
Ông Thịnh đánh giá, lợi ích từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái chỉ là trước mắt và người ta bị lóa mắt vì đồng tiền mà quên đi lợi ích lâu dài. Chi phí, công sức bỏ ra xây dựng thương hiệu mấy chục năm nhưng lại vứt bỏ trong một giờ.
Còn theo TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, không chỉ riêng người tiêu dùng bị thiệt vì mua phải hàng giả, hàng nhái mà chính doanh nghiệp của ông Hoàng Khải mới chịu sự thiệt hại nặng nề nhất.
TS. Kiêm cho biết, trước hết người tiêu dùng sẽ bị thiệt, thiệt về kinh tế vì phải bỏ một số tiền để mua nhưng lại không nhận được mặt hàng có chất lượng tương xứng với số tiền đó.
Nhưng chính doanh nghiệp của ông Hoàng Khải sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn thế. Ông nêu quan điểm: "Trong cạnh tranh đã hình thành nguyên tắc từ lâu, việc làm của ông Khải Silk là ngược lại nguyên tắc này".
Ông Kiêm cũng nhận định, nếu để các sự việc tương tự như Khải Silk xảy ra nhiều mà cơ quan quản lý thị trường không kiểm soát sẽ làm hỗn loạn thị trường hàng hóa của Việt Nam và tất nhiên là người lao động, người tiêu dùng. Thiệt hại sẽ rất rộng lớn chứ không chỉ là hành động lừa dối người tiêu dùng.
Từ việc làm của ông Khải Silk, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, hành động buôn bán hàng giả, hàng nhái cần kiên quyết lên án và các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử phạt nghiêm minh nhằm đem lại sự bền vững, uy tín cho các thương hiệu Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển phân tích, câu chuyện về khăn lụa Khải Silk có điểm giống và không giống với những người bán hàng Trung Quốc ở Việt Nam. Giống là đều lấy hàng Trung Quốc bán ở Việt Nam nhưng bản thân những người bán hàng Trung Quốc ở Việt Nam bị cạnh tranh rất lớn và họ bán đúng giá chứ không có lời nhiều từ giá trị gia tăng.
Còn ông Khải Silk bán hàng thương hiệu, bằng giá trị gia tăng rất lớn và ông ấy đã đạt được chuyện đó, tức là làm khách hàng tin tơ lụa Việt Nam và chấp nhận giá cực cao, họ chấp nhận trả thêm cho thiết kế, nguyên liệu.
TS. Hiển cho hay, khi đạt được những điều đó ông Khải có thể hoàn toàn tổ chức chuỗi cung ứng sản xuất tơ lụa Việt Nam và bán lời rất lớn nhưng ông ấy lại không chịu làm mà vẫn ham lợi hơn.
"Như vậy, tức là ông Khải còn lừa đảo khách hàng hơn nhiều so với những người bán hàng Trung Quốc bình thường. Bởi họ lấy hàng Trung Quốc rẻ và họ cũng bán vừa túi tiền người tiêu dùng chứ họ không bán giá cao cấp như ông Khải Silk đang làm", TS. Đinh Thế Hiển nêu quan điểm.
Tác giả: Thiên Di
Nguồn tin: Báo Người đưa tin