Thế giới

Nước Nga thời Putin: Dám lao vào "bãi lầy" để lấy lại quyền lực

Những gì đã thay đổi trong vài năm qua là Nga không chỉ bảo vệ lợi ích của mình nữa, mà họ đang mở rộng chúng.

Trong phần trước, chúng ta đã theo dõi quá trình tìm lại sức mạnh của nước Nga dưới thời Putin . Phần 2 đưa ra góc nhìn về quá trình mở rộng và gia tăng quyền lực cũng như dự báo tương lai.

Mở rộng và gia tăng quyền lực

Để hiểu về tầm vóc hiện nay của nước Nga, cần hiểu xem các sự kiện trong 25 năm qua được nước Nga nhìn nhận như thế nào.

Sự chuyển tiếp nhanh chóng sang chủ nghĩa tư bản thị trường tự do được các chuyên gia kinh tế phương Tây cổ súy, các “cuộc cách mạng màu” được các chính phủ phương Tây bênh vực, sự mở rộng của NATO tại các nước Cộng sản cũ ở Đông Âu, sự can thiệp của NATO vào khu vực Balkan, những bài diễn thuyết về nhân quyền và dân chủ của các tổ chức phi chính phủ được nước ngoài ủng hộ tại Moscow: tất cả đều được Nga xem là các âm mưu hủy hoại sức mạnh Nga và cản trở các lợi ích của họ.

Chính cách nhìn này giải thích cho các chính sách của Nga dưới thời ông Putin, cả về đối nội và đối ngoại. Nga tự xem mình là đang ở thế phòng thủ trong 25 năm qua. Câu hỏi đặt ra là giờ đây, họ sẽ ứng xử như thế nào khi đang lấy lại dáng vẻ oai phong thời Xô Viết của mình?

Nga không phải là một chiếc roi mây vô dụng, cũng không phải là người định hình các sự kiện toàn cầu. Ít nhất là cho tới gần đây, Nga vẫn còn là một nước với cảm giác rằng lợi ích của mình đã bị phương Tây làm ảnh hưởng và tận dụng mọi cơ hội để đòi lại các đặc quyền cũ.

Ảnh:  Sputnik/Kremlim/EPA/Chicagotribune

Chỉ trong vài năm qua, họ đã lao vào hai cuộc chiến tranh, tại Ukraine và Syria, mà các đối thủ của họ cho là các “bãi lầy” không thể thoát ra. Và chỉ với tương đối ít sức người sức của, họ đã tái lập quyền lực của mình trong các vòng ảnh hưởng cũ.

Những gì đã thay đổi trong vài năm qua là Nga không chỉ bảo vệ lợi ích của mình nữa, mà họ đang mở rộng chúng. Hãy xem cuộc họp của OPEC mới đây, nơi ông Putin đóng vai trò trung gian giữa Iran và Saudi Arabia, giúp đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Hãy lấy ví dụ Nhật Bản, nước đã có nhiều năm tranh chấp với Nga về quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, hậu quả của Chiến tranh thế giới II, nhưng mới đây đã đồng ý với hầu hết các đề nghị của Nga, thiết lập một “hệ thống đặc biệt” cho các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo này. Ngay cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn không phải là một người bạn truyền thống của Moscow, mới đây cũng đã tìm cách “hâm nóng” quan hệ với ông Putin.

Sức mạnh quân sự của Nga đã hiện đại hóa đáng kể, và tại vùng Bắc Cực đang ngày càng tranh cãi, sự hiện diện của Nga sắp đuổi kịp các đối thủ phương Tây. Về chính trị, Nga đã có một cuộc “đổ bộ” vào EU thông qua sự ủng hộ của một số đảng cực hữu, trong đó có đảng Tự do ở Áo. Tại một số nước Đông Âu như Bulgaria, Hungary, Latvia, Serbia, và Slovakia, tầm ảnh hưởng của Nga đã tỏa khắp.

Nước Nga không có quyền lực vô hạn – không nước nào có điều đó – nhưng chính sách đối ngoại của họ vận hành như một người môi giới quyền lực toàn cầu và làm việc này rất hiệu quả. Họ có một nền tảng tư tưởng, dựa trên học thuyết mới về chủ nghĩa Á – Âu, cho rằng quy chế của Nga như một cường quốc đế quốc, một sản phẩm tự nhiên của vị trí địa lý nằm giữa châu Á và châu Âu.

Họ có một chiến thuật “chiến tranh lai”, kết hợp của quân sự, chính trị và ngoại giao. Họ đã đóng một vai trò ngày càng có ảnh hưởng tại Liên hợp quốc, về mọi mặt từ chính sách liên quan đến thuốc ngủ, đến vấn đề biến đổi khí hậu. Ngày nay Nga đã là một siêu cường, đó là điều không cần hoài nghi.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Vẫn chưa rõ. Trong tương lai gần, con đường thành công đối ngoại của Nga dường như vẫn tiếp tục. Sau khi đánh bại IS ở Syria, Nga sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong việc hòa giải tại quốc gia Trung Đông này, cũng như gia tăng vị thế của mình trong khu vực. Dù các nước khác không muốn công nhận chính thức việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng không ai thực sự thách thức Moscow. Liên minh chống Nga trong EU sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang chứng kiến nhiều rạn nứt.

Nhưng cũng sẽ có những mối nguy mới đang chờ ông Putin. Xét ở mức độ nào đó, ông Putin sẽ phải bắt đầu đối mặt với sức ép thực sự của các điều kiện trong nước. Và ông cần thêm những thành công về đối ngoại để trung hòa các sức ép này.

Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến Chính phủ của ông Putin chuyển thành công từ thế phòng thủ – tức là chiến đấu để bảo vệ cái họ coi là lợi ích của mình – sang duy trì vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Nhưng chúng ta mới chỉ bắt đầu thấy ông hành động từ một vị trí quyền lực và ảnh hưởng không có gì phải bàn. Nhớ rằng cuối câu chuyện ngụ ngôn được nhắc ở phần trước, cánh cửa đã đóng sầm trước mũi con chuột.

Tác giả: Diệu An

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP