Xe

Nửa năm hỗn loạn của thị trường ôtô Việt Nam

Xe nhập khan hàng đội giá, xe lắp ráp giảm giá kích cầu, tâm lý mua hay không mua tiếp tục bao trùm khách Việt nửa đầu 2018.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất của thị trường ôtô Việt Nam trong sáu tháng qua nằm ở Nghị định 116. Ban hành bởi Chính phủ từ tháng 10/2017, nhưng ảnh hưởng kéo dài và lan đến hiện tại.

Từ những khó khăn trong việc đáp ứng các thủ tục giấy tờ, xe nhập gần như tắc đường về. Tình cảnh khan hàng, đội giá xuất hiện liên tục tại các đại lý. Trong khi đó, giá xe liệu có giảm vẫn mông lung như cách người Việt chọn ra quyết định mua hay không mua xe.

Cơn khát xe nhập và đòn tăng giá của đại lý

Chiến lược chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu để tận dụng thuế ưu đãi 0% vấp phải rào cản lớn về chính sách, tức Nghị định 116. Các hãng phải trả giá, ít nhất trong hơn nửa năm qua, bằng tình cảnh không thể nhập hàng, không có hàng để bán.

Xe nhập khẩu khan hàng khiến khách Việt vơi dần lựa chọn. Thậm chí không ít trường hợp khách có tiền cũng chưa chắc mua được xe. Nguyên nhân là đại lý không có hàng sẵn để giao hoặc có nhưng thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi nhu cầu thực tế đang cần khiến người mua thương lượng rút cọc.

Toyota Fortuner, một trong nhiều mẫu xe không thể về nước trong 2018 do vướng Nghị đinh 116.

Càng về giữa 2018, lượng xe nhập dần cạn nguồn cung khiến thị trường gần như đóng băng. Không ít khách hàng chuyển hướng sang xe lắp ráp hoặc xe nhập còn hàng. Vậy nên mới có chuyện, Isuzu mu-X bất ngờ dẫn dầu danh sách xe bán chạy nhất tháng 4 phân khúc SUV 7 chỗ bằng con số chỉ 29 xe đến tay khách hàng, dù trước đó lẹt đẹt doanh số.

Tiếp đến, Chevrolet Trailblazer tranh thủ Fortuner không có hàng, vươn lên bán chạy nhất tháng 5. Tương tự là bán tải Colorado, mẫu xe chiếm ngôi vương "ông vua" Ford Ranger với 470 xe tiêu thụ ở phân khúc bán tải.

Trong bối cảnh xe nhập khó về, hãng nào có xe để bán tự nắm lấy cơ hội đẩy doanh số, chiếm thị phần. Một vài liên doanh tranh thủ chạy đua thủ tục, đăng kiểm để nhập xe về bán nhưng số lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính sự không ổn định của nguồn cung khiến giá xe biến động thất thường.

Tình trạng "bán bia kèm lạc" xuất hiện ở nhiều mẫu xe nhập hút hàng như Honda CR-V, Ford Ranger, Toyota Fortuner. Lắp thêm phụ kiện là cách làm quen thuộc được nhiều đại lý áp dụng, buộc khách chi thêm tiền để có xe ngay. Giá xe vì thế đội hàng chục, thậm chí hơn 100 triệu đồng.

Ôtô giá rẻ - lý thuyết khác thực tế

Ngoài câu hỏi khi nào xe nhập hết khan hàng, giá xe liệu có giảm nhờ thuế ưu đãi 0% và nên mua ngay hay đợi tiếp, trở thành những mối quan tâm không kém của khách Việt trong nửa năm qua. Tính toán trên bình diện lý thuyết từ các hãng đưa đến viễn cảnh giá xe giảm trong 2018, nhưng thực tế thị trường đang mang đến cảm giác ngược lại.

Ôtô liệu có giảm giá trong 2018 - câu hỏi thường trực của khách hàng tại Việt Nam.

Honda Việt Nam trong tháng 4/2018 điều chỉnh giá bán tăng thêm 5 triệu, lên mức 963-1.073 với lý giải cân đối lại thu chi bởi Nghị định 116. Không chỉ xe nhập khẩu, xe lắp ráp trong nước cũng tăng giá theo. Tháng 5 vừa qua, Mitsubishi âm thầm tăng thêm 15 triệu đồng cho mẫu SUV Outlander 2.0 CVT lên mức 823 triệu. Phiên bản này theo các nhân viên bán hàng bán chạy nhất so với hai bản còn lại: 2.4 Premium và 2.0 Premium.

Cạnh tranh Honda CR-V và có mức giá thấp hơn khi công bố bản mới hồi cuối 2017, Mazda CX-5 bước vào tháng 2/2018 tăng giá 30-80 triệu, lên mức 899-1.019 triệu. Lý do từ hãng đưa ra là cân đối lại lợi nhuận vì trong 2017 đã giảm không có lãi.

Giá xe biến động thất thường và không có dấu hiệu giảm khiến khách hàng dường như không còn tin tưởng vào giá xe giảm sâu. Mới đây, Honda Việt Nam tiếp tục công bố mức giá mới của CR-V từ 1/7, tăng thêm 10 triệu. Toyota cũng tăng lần lượt 22 triệu và 50 triệu cho bán tải Hilux và SUV 7 chỗ Fortuner.

Xe lắp ráp - cơ hội và áp lực

Thống kê đến hết tháng 5/2018, doanh số toàn ngành đạt gần 104.000 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xe lắp ráp tiêu thụ hơn 87.400 xe, tăng 10% (khoảng 8.000 xe), xe nhập khẩu là 16.300 xe, giảm 50% (tức 16.300 xe).

Xe nhập khẩu tắc đường về bởi rào cản chính sách tạo cơ hội cho xe lắp ráp trong nước tăng doanh số. Nguồn cung sẵn và ổn định hơn, xe lắp ráp tiếp cận khách hàng khi xe nhập không có nhiều lựa chọn.

Honda City, một trong nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước giảm giá để đẩy doanh số trong tháng 5-6.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, người tiêu dùng Việt bị chi phối nhiều về giá bán và thời điểm xe nhập về nước trở lại. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng lợi nhuận, nhiều mẫu xe nhập hot bị các đại lý tăng giá, khiến không ít khách hàng bực dọc. Họ quay lưng và chuyển hướng sang sản phẩm khác. Xe lắp ráp hưởng lợi không ít từ những trường hợp này.

Sau cơ hội là áp lực, xe lắp ráp sẽ không còn thảnh thơi trong thời gian tới khi xe nhập đang chạy đua về nước. Nhận thấy sức ép, từ hãng đến đại lý bắt đầu ưu đãi cho xe lắp ráp bằng cách giảm giá, tranh thủ đẩy doanh số trong hai tháng trở lại đây. Mức giảm không đều, ở mức hàng chục triệu đồng diễn ra trên diện rộng.

Vượt rào chính sách, xe nhập khẩu sắp về

Nửa năm 2018 trôi qua với phần ảm đạm ở mảng xe nhập khẩu. Nhưng đây cũng là thời gian để các hãng xe, sau kêu khó là nỗ lực hoàn tất các thủ tục để đưa xe về nước. Cuối tháng 6/2018, những lô hàng đầu tiên của Toyota, Mitsubishi đã về nước, chuẩn bị các thủ tục đăng kiểm để có mặt trên thị trường trong thời gian tới.

Xe nhập khẩu về Việt Nam tại một cảng ở TP HCM. Ảnh: Vũ Đoan.

Những hãng xe khác như Ford, Suzuki, Chevrolet cho biết, các thủ tục đáp ứng yêu cầu nhập xe theo Nghị định 116 gần như hoàn tất. Các mẫu xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia dự kiến về nước trong vài tháng tới. Nhiều đại lý bắt đầu mở đặt hàng cho khách đối với những sản phẩm sắp về như Toyota Wigo, Mitsubishi Xpander, Ford Ranger.

Đây được xem là tín hiệu tích cực cho người tiêu dùng trong nước. Nguồn cung liền mạch góp phần giúp giá xe ổn định hơn. Cạnh tranh giữa xe lắp ráp và xe nhập tạo tiền đề để các hãng đưa ra mức giá cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng.

Tác giả: Thành Nhạn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP