Giáo dục

Nữ sinh Thanh Hoá giành học bổng toàn phần đại học hàng đầu thế giới

Trong mùa “apply” du học năm nay, Lê Ngân Hà, học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá đã xuất sắc chinh phục được 5 trường đại học Mỹ, trong đó có 2 trường nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng là Williams College và The University of Chicago.

Lê Ngân Hà, học sinh lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá

Cả 5 trường đều dành cho Hà những mức hỗ trợ tài chính hấp dẫn, trong đó Williams College sẵn sàng tặng suất học bổng toàn phần trị giá hơn 5 tỷ đồng cho em cộng với cơ hội được làm thêm trong trường để chi trả phí sinh hoạt.

Hành trang mà cô nữ sinh xứ Thanh chuẩn bị cho mình có thể gây ấn tượng với bất cứ ai bởi sự toàn diện của đó.

Thành tích học thuật có "sức nặng” nhất trong bộ hồ sơ của Hà có lẽ phải kể đến giải thưởng đặc biệt trong Intel ISEF - cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lớn nhất thế giới. Sau khi giành giải Nhất ở cấp quốc gia, dự án về tái chế dầu nhờn mà Hà là đồng tác giả đã giành giải đặc biệt do Tập đoàn Phát triển bền vững Ricoh, Hoa Kỳ trao tặng.

Học ở lớp chuyên Anh, năm lớp 12, Hà giành giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn tiếng Anh và Huy chương Bạc cuộc thi các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ cũng ở môn thi này.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến điểm số ấn tượng của em trong các bài thi chuẩn hoá - một trong những điều kiện quan trọng để nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ. Hà đạt 1550/1600 SAT 1. Với SAT 2, môn Toán em đạt điểm số tối đa 800/800, môn Văn 730/800. Ngân Hà cũng chứng minh khả năng ngoại ngữ đáng nể với điểm TOEFL 117/120.

Nữ sinh Lam Sơn cho biết, về hoạt động ngoại khoá, em không tham gia nhiều và dàn trải, mà chỉ tham gia những hoạt động mà em thích. Được học piano từ năm lớp 1, Ngân Hà tự tổ chức một lớp dạy piano miễn phí cho các em nhỏ từ năm lớp 10 đến nay. Ngoài ra, Hà cho biết, em cũng tham gia một số buổi hoà nhạc của thành phố, nhưng không tham gia bất cứ cuộc thi nào về piano.
Thích thể thao, Hà dạy bơi miễn phí cho các em vào mùa hè. Năm lớp 10, em là chủ tịch câu lạc bộ tiếng Anh của trường, và từng là quán quân cuộc thi tranh biện đầu tiên của trường Lam Sơn.

Điểm số không bao giờ là sự khác biệt

Trong bài luận phụ, Hà đã nói về sự giao thoa giữa ngôn ngữ, triết học và âm nhac

Hà chia sẻ, bố em là người đã định hướng để em theo đuổi ước mơ đi du học, đồng thời bố cũng là người có ảnh hưởng nhiều đến em. “Từ hồi học cấp 1, bố đã mua sách triết học phương Tây về cho em đọc. Em không hiểu nhiều nhưng bắt đầu làm quen từ đó. Bố nói, mãi đến năm lớp 11, bố mới thấy em bắt đầu ‘thấm’ những gì bố đã nói và cho đọc”.

Trong bài luận nộp vào Williams College, Hà tránh nói lại về những thành tích, mà quyết định nói về tư tưởng vô thần của mình.

“Nhiều người cho rằng, những gì xảy ra trong cuộc đời mỗi con người đều là kết quả của môi trường xung quanh, của thuyết định mệnh nào đó. Nhưng em nghĩ rằng những gì xảy ra với mình đều xuất phát từ con người mình, chứ không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Từ đó, chúng ta phải có trách nhiệm đối với hành động, suy nghĩ, cuộc sống của mình, chứ không nên đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, dù là yếu tố thực tại hay thần linh”.

Hà và bạn đồng hành trong Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật thế giới dành cho học sinh trung học

Yếu tố khiến Ngân Hà trở thành một ứng viên khác biệt, có lẽ nằm ở bài luận phụ - em dự đoán.

“Trong bài luận này, em nói về sự giao thoa giữa âm nhạc, ngôn ngữ và triết học. Em học tiếng Anh nên đôi khi em cảm thấy trách nhiệm với tiếng Việt của mình không được trọn vẹn. Mình không tìm hiểu tiếng Việt được kỹ như tiếng Anh. Em cảm thấy bứt rứt và em thể hiện điều đó trong bài luận phụ”.

“Về sự giao thoa giữa âm nhạc, ngôn ngữ và triết học, em lấy một ví dụ cụ thể là các tác phẩm của Trịnh Công Sơn – một người có ảnh hưởng lớn tới âm nhạc Việt Nam giai đoạn 1975. Ngoài âm nhạc, ngôn ngữ trong những tác phẩm của ông có chất thơ, giàu tính triết lý, có hơi hướng Phật giáo, hiện sinh. Em phân tích kỹ điều đó. Qua nhạc Trịnh, em cho người đọc thấy được sự giao thoa giữa ngôn ngữ, triết học và âm nhạc Việt Nam”.

Ngân Hà cho rằng, những hiểu biết, sự phát hiện này của em phần nào giúp em nổi bật và khác biệt giữa một rừng các bạn "siêu sao” từ khắp nơi trên thế giới. “Bởi vì điểm số của em có cao mấy thì cũng sẽ có người cao hơn. Chỉ có tính cách, quan điểm, mối quan tâm của riêng cá nhân mới là điều khác biệt mà trường tìm kiếm”.

Khó nhất là hiểu bản thân mình

Một dịp chia sẻ với các em nhỏ vùng cao ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá sau đợt lũ tháng 10/2017

Nói về những người có ảnh hưởng tới bản thân, Hà cho rằng, bố mẹ em là những người có tính cách rất trái ngược nhau nhưng nhờ nhìn vào bố mẹ, em tìm cho mình được cách ứng xử dung hoà với những vấn đề trong cuộc sống. “Bố hiểu biết, lý tính và đôi khi khắt khe. Còn mẹ lại tình cảm, lúc nào cũng có cái nhìn bao dung, rộng lượng với cuộc sống xung quanh. Đôi khi, em nghĩ mình đủ khắt khe, nghiêm khắc với bản thân, nhưng cũng đủ bao dung trong cuộc sống”.

Chia sẻ về hành trình học tập của mình, cô gái 18 tuổi gây bất ngờ cho người nghe với một câu trả lời rất trưởng thành. Em nói, việc học không phải là công việc quá vất vả với em. “Nếu vất vả chỉ là ‘cày cuốc’ ngày đêm thì em làm được, thậm chí giai đoạn thi vào Lam Sơn, em còn học chăm chỉ hơn. Nhưng điều khó khăn nhất là phải suy nghĩ thật nghiêm túc về những điều mình quan tâm, mình thích, hay không thích. Phải làm sao để sắp xếp những điều đó thành một tổng thể hoàn chỉnh để thể hiện cho người khác hiểu”.

Một điều mà Ngân Hà muốn chia sẻ với các bạn muốn tìm đường đi du học: Các bạn nên sâu sắc và rõ ràng với bản thân mình. Khi hành động hay suy nghĩ điều gì đó, nên dành thời gian lý giải nó để hiểu hơn về chính bản thân mình. Đừng hời hợt, ba phải.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP