Cùng với câu chuyện về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, dư luận quốc tế mới đây lại nóng trở lại những tranh cãi về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay chở khách MH-17 của hãng hàng không Malaysia hồi năm 2014, từng khiến 298 người thiệt mạng.
Hình ảnh tái hiện khoảnh khắc MH-17 bị bắn trúng. (Ảnh: AP). |
Mọi cáo buộc từ các nhà điều tra phương Tây đang đổ dồn về phía Nga bất chấp việc nước này từng đưa ra các bằng chứng “vô tội”. Liệu căng thẳng vốn có giữa Nga và phương Tây có thể bị khoét sâu hơn bởi tranh cãi này.
Trước những cáo buộc từ một số nước Châu Âu và Australia, hôm 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng khẳng định, tên lửa bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014 không thuộc quân đội Nga. Người đứng đầu nước Nga bác bỏ hoàn toàn kết luận điều tra của Hà Lan và Australia cho rằng Moscow đứng đằng sau thảm họa này.
Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg, Tổng thống Putin cho rằng, Nga không thể tin hoàn toàn vào kết luận của các nhà điều tra lần này bởi Moscow không được tham gia vào tiến trình điều tra:“Có vài kịch bản khác nhau cho thảm kịch này, nhưng chúng đều không được tính đến. Nếu không có một cuộc điều tra toàn diện, thì chắc chắn sẽ là khó để chúng tôi chấp nhận kết quả của ủy ban điều tra vốn làm việc mà không có sự tham gia của chúng tôi.”
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa bắn rơi chiếc máy bay MH17 có thể thuộc quân đội Ukraine. Phía Nga nêu rõ, mảnh động cơ tên lửa được đưa ra trong cuộc họp báo của Ủy ban điều tra hỗn hợp không thể thuộc quân đội Nga bởi tất cả tên lửa sản xuất năm này đều đã được tái chế vào năm 2011 và lý do duy nhất mà ủy ban điều tra của Hà Lan “im lặng” về nguồn gốc động cơ tên lửa sản xuất năm 1986 là do động cơ này thuộc quân đội Ukraine.
Trong khi đó, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Hà Lan, Ngoại trưởng Nga Seigei Lavrov tuyên bố, Hà Lan đã không thể đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Nga liên quan đến vụ việc xảy ra ở miền Đông Ukraine năm 2014. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, giả thuyết của Ủy ban điều tra hỗn hợp cho rằng tên lửa Bouk-Telar bắn rơi máy bay MH17 được đưa từ Nga vào Ukraine và thuộc Lữ đoàn phòng không 53 của quân đội Nga là hoàn toàn vô căn cứ và nhằm gây mất uy tín của Nga.
Hiện Liên minh Châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang yêu cầu Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Ngoại trưởng nước này Stef Blok hôm 25/5 cũng cho rằng, Nga phải chịu một phần trách nhiệm đồng thời yêu cầu Moscow thừa nhận và hợp tác với cuộc điều tra hình sự quốc tế cũng như đàm phán bồi thường.
Ngoại trưởng Hà Lan cho biết: “Hà Lan và Australia đã yêu cầu Nga tham gia vào một cuộc đối thoại với hai mục tiêu. Thứ nhất Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Thứ hai là Nga thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các nạn nhân”.
Nhận định về vấn đề, một số nhà phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên phương Tây làm nóng dự luận về tranh cãi MH 17 vào thời điểm hiện tại mà dường như đây có thể là một hành động có chủ đích. Nhất là trong bối cảnh châu Âu đang không thể nào đưa ra được các bằng chứng “thuyết phục” để trừng phạt Nga và đồng minh của nước này trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Skripal nghi bị đầu độc tại Anh, hay các cáo buộc tấn công hóa học tại Syria. Hiện phương Tây muốn đưa vụ việc này ra để “dễ ăn, dễ nói” hơn về các biện pháp trừng phạt.
Việc quy tội cho Nga còn được nhắc đến đúng vào thời điểm Nga đang chuẩn bị một sự kiện thể thao lớn, đó là Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018. Dù thông tin không được xác thực, song những tranh cãi này có thể sẽ vẫn gây bất lợi cho Moscow nếu các quốc gia này viện cớ để cản bước người hâm mộ tới tham dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh được tổ chức 4 năm một lần này.
Tác giả: Đình Nam
Nguồn tin: Báo VOV