Nông dân Hy Lạp tập trung quanh máy kéo trong cuộc biểu tình phản đối các chi phí tăng cao trước tòa nhà Quốc hội ở Athens vào hôm 20-2 - Ảnh: AFP |
Hôm 20-2, hàng ngàn nông dân Hy Lạp đổ về quảng trường trung tâm Athens, đậu máy kéo phía trước tòa nhà Quốc hội để phản đối trong bối cảnh họ phải chịu chi phí sản xuất và giá năng lượng tăng cao. Cảnh sát ước tính ít nhất 8.000 nông dân cùng 130 máy kéo đã tham gia biểu tình.
Vì đâu nên nỗi?
Những gì diễn ra tại Hy Lạp chỉ là một phần trong làn sóng biểu tình của nông dân trên toàn châu Âu. Nhiều tuần qua, biểu tình cũng đã diễn ra tại các nước như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Ý vì nhiều lý do. Theo Reuters, các nông dân biểu tình nói họ đang phải đối mặt với các loại chi phí và thuế ngày càng tăng, nạn quan liêu, các quy định môi trường quá khắt khe và sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Tại Đông Âu, các cuộc biểu tình của nông dân tập trung vào "sự cạnh tranh không công bằng" vì lượng lớn hàng nhập từ Ukraine - quốc gia đã được EU bỏ các hạn ngạch và thuế kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Nông dân Ba Lan đã chặn các xe tải chở hàng của Ukraine đi vào nước này trong nhiều tuần qua.
Trong khi đó, nông dân tại Cộng hòa Czech lái máy kéo vào trung tâm thành phố Prague làm gián đoạn giao thông cục bộ. Những nông dân này phản đối hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine vì cho rằng chúng gây áp lực lên giá cả của châu Âu, trong khi không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường vốn đã áp lên nông dân EU.
Nông dân các nước châu Âu cũng gặp vấn đề với các quy định được cho là quá đáng, chủ yếu ở cấp EU. Đáng chú ý là các quy định trợ cấp mới của EU, chẳng hạn yêu cầu phải bỏ không 4% đất nông nghiệp để phục hồi hệ sinh thái, tức là không thể trồng trọt trên phần đất này trong một khoảng thời gian.
Tại Đức và Pháp, những nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất của EU, nông dân phản đối các kế hoạch chấm dứt trợ cấp hoặc giảm thuế với dầu diesel nông nghiệp. Nông dân Hy Lạp cũng muốn giảm thuế với dầu diesel. Tại Romania, các cuộc biểu tình vào giữa tháng 1 chủ yếu phản đối giá dầu diesel tăng cao.
Kênh Euronews chỉ ra thêm: "Nông dân ở một số nước châu Âu đã xuống đường trong những tuần gần đây khi họ phản đối "Thỏa thuận xanh" (Green Deal) của EU, vốn đặt ra các quy định nông nghiệp cho 27 thành viên của khối trong nhiều thập niên". Họ cho rằng các chính sách về môi trường và các vấn đề khác là gánh nặng tài chính khiến sản phẩm của họ đắt hơn và do đó kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu.
Ngũ cốc của Ukraine bị đổ xuống đường ray trong cuộc biểu tình ở Ba Lan - Ảnh: Pravda.com.ua |
Cần thêm giải pháp
Trước làn sóng biểu tình, chính phủ các nước châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp: Đức thu hẹp các kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel; Pháp hủy bỏ việc tăng thuế diesel, trì hoãn các biện pháp khác và cam kết hỗ trợ 150 triệu euro, do đó các hội nông dân đã kêu gọi tạm dừng biểu tình...
"Cùng câu hỏi đang được đặt ra trên khắp châu Âu: Làm thế nào để chúng ta tiếp tục sản xuất nhiều hơn nhưng chất lượng hơn? Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu? Làm thế nào chúng ta có thể tránh được sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài?" - Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nêu vấn đề hồi đầu tháng 2.
Ở cấp EU, cuối tháng trước Ủy ban châu Âu đã đề xuất hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine bằng cách áp dụng "phanh khẩn cấp" đối với những sản phẩm dễ bị ảnh hưởng nhất như gia cầm, trứng và đường. Tuy nhiên các nhà sản xuất cho rằng số lượng nhập vẫn còn quá cao.
EU cũng đã hoãn thực hiện quy định về đất bỏ hoang cho nông dân trong năm 2024, theo đó không bắt buộc nông dân phải duy trì 4% diện tích đất bỏ không trong lúc vẫn nhận được trợ cấp của EU. Dẫu vậy, việc nông dân châu Âu tiếp tục biểu tình những ngày qua cho thấy vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo tường thuật của Hãng tin AFP hôm 20-2, hàng chục máy kéo đã di chuyển tới Ryki - thị trấn ở miền đông Ba Lan - để chặn đường cao tốc chính dẫn đến biên giới Ukraine. Nông dân treo cờ Ba Lan trên máy kéo của họ cùng với các biểu ngữ như "Ngăn chặn dòng hàng hóa Ukraine tràn vào không kiểm soát", và "Nông nghiệp đang chết dần".
Tomasz Golak, người điều hành một trang trại, chia sẻ với AFP: "Tôi có mặt ở đây để loại bỏ các biện pháp hạn chế do Liên minh châu Âu đưa ra liên quan đến đất hoang, Thỏa thuận xanh và trên hết là để ngăn chặn thực phẩm Ukraine tràn vào".
Không chỉ châu Âu Theo Đài PBS, không chỉ nông dân châu Âu, nông dân tại nhiều nơi trên thế giới cũng đã tổ chức biểu tình trong những tuần gần đây. Lý do có thể khác nhau tùy từng nước nhưng có một thông điệp chung: Nông dân không thể chịu nổi gánh nặng của các chính sách kinh tế và khí hậu. Tại Ấn Độ, nông dân đang mong muốn Thủ tướng Narendra Modi mở rộng chính sách thiết lập giá tối thiểu cho một số loại nông sản. Ngày 21-2, cảnh sát đã bắn hơi cay về phía hàng ngàn nông dân Ấn Độ đang tuần hành tới New Delhi. |
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ