1. Đầu năm 2014, sau một thời gian dài tổ chức trinh sát, điều tra Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Sơn La phát hiện trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tại địa bàn huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La) thường xuyên xuất hiện nhiều băng ổ nhóm người Mông mang quốc tịch Lào thâm nhập trái phép vào Việt Nam để buôn bán ma túy.
Điều đáng nói là các băng ổ nhóm này thường có từ 10-40 đối tượng được tổ chức khá "chuyên nghiệp", có phân công cụ thể như đứa gùi hàng, đứa làm hoa tiêu dẫn đường, đứa chặn hậu.... Đặc biệt, tất cả các đối tượng đều mang theo vũ khí nóng như súng AK, CKC, Các-bin, súng ngắn K54, K59, lựu đạn… sẵn sàng nổ súng vào lực lượng truy bắt.
PC 47 Công an tỉnh Sơn La đã báo cáo về Công an tỉnh, đề xuất tổ phương án đấu tranh trấn áp những băng ổ nhóm nói trên. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La, tháng 6-2014 chuyên án mang bí số 279LL đấu tranh với các băng ổ nhóm buôn ma túy có vũ trang trên tuyến đã được thành lập.
Hiện trường sau một trận đánh trong Chuyên án 279LL.
Để có thể tập trung tối đa lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Sơn La đã đề xuất C47 cử lực lượng phối hợp. Phòng 3 C47 là đơn vị được lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát giao phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh Sơn La nhằm quyết tâm chặn đứng các ổ nhóm ma túy chuyên đi đêm từ Lào sang Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Đức Thính - Trưởng phòng 3 C47, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm trinh sát nội tuyến - kể lại với chúng tôi một phần cuộc chiến khốc liệt này.
Sau khi chuyên án được mở ra, hàng trăm trinh sát của C47, PC47 Công an tỉnh Sơn La, Công an huyện Vân Hồ, Công an huyện Mộc Châu đã được bố trí thành nhiều tổ công tác, tiến hành thực hiện một loạt các biện pháp nghiệp vụ liên hoàn nhằm thu thập các tài liệu chứng cứ cũng như các mối quan hệ của những đối tượng cộm cán trong băng ổ nhóm.
Đích thân lãnh đạo C47 và Ban giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyến đi thực địa tại khu vực rừng già giáp ranh giữa huyện Vân Hồ với huyện Xốp Pâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Từ đó, kế hoạch bao vây đón lõng các băng ổ nhóm ma túy có vũ trang người Lào đã được vạch ra.
Ban chuyên án đã tổ chức nhiều cuộc họp, tiến hành phân tích các băng ổ nhóm ma túy là người Mông, rất thạo địa hình, lại có sức khỏe cực tốt có thể leo rừng lội suối nhiều ngày liền mà không mệt mỏi. Ma túy là thứ hàng "siêu lợi nhuận" nên các đối tượng cực kỳ liều lĩnh khi bị tấn công, sẵn sàng nổ súng vào lực lượng truy bắt.
Cũng chính vì thế mà các phương án bao vây, chặn bắt đã được Ban chuyên án nghiên cứu một cách kỹ càng, đồng thời tổ chức tập dượt trên thực địa nhiều lần. Ngoài việc tổ chức thành nhiều tổ đội bí mật tấn công truy bắt các đối tượng thì khu vực "trận địa" cũng được chuẩn bị rất kỹ.
Tất cả các cuộc chiến đều diễn ra vào buổi đêm nên các loại chông, lưới, bẫy thú… đã được gài sẵn để tăng cường khắc chế các đối tượng, hạn chế thương vong cho lực lượng đánh án.
Lực lượng đánh án ngoài C47, PC47 Công an tỉnh Sơn La còn có Phòng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động (PC65) Công an tỉnh Sơn La, lực lượng Công an, dân quân tự vệ huỵên Vân Hồ, Mộc Châu… Đặc biệt là có cả sự tham gia của lực lượng chó nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tất cả đều đã được huấn luyện kỹ lưỡng, phân công phân nhiệm cụ thể chuẩn bị cho trận đánh mở màn.
2. Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 19-7-2014, Đại tá Thính đang nấp sau một tảng đá căng mắt nhìn về phía trận địa trên khu vực bản Thung Cuông, xã Vân Hồ thì tiếng bộ đàm từ các trinh sát tiền phương báo về: "Chim sắp về tổ, khoảng cách là 200m…".
Đồng chí Lường Phát Chiêm, cán bộ Phòng PC65 Công an tỉnh Sơn La đã hy sinh trong trận đánh đêm ngày 19-7-2014 với các đối tượng buôn bán ma túy.
Cũng như những người lính khác, Đại tá Thính nhỏm dậy, tay nắm chặt khẩu K59 chờ lệnh của chỉ huy trận đánh. Khi mà nhóm đối tượng gồm hơn 30 tên đã lọt vào vòng vây, lập tức hai chiếc đèn cao áp được treo trên vách núi mở hết công suất rọi thẳng vào đội hình của chúng. Pháo sáng được bắn lên sáng rực cả trời đêm, đồng thời tiếng loa dõng dạc cất lên, bằng hai tiếng Việt và tiếng Mông kêu gọi các đối tượng hạ súng đầu hàng.
Biết mình đã lọt vào ổ phục kích, các đối tượng lập tức vứt balô, quay đầu bỏ chạy về phía biên giới. Chúng cũng vãi đạn ra khắp nơi nhằm ngăn cản sự truy kích của ta. Sau loạt đạn chỉ thiên cảnh cáo, các đối tượng vẫn ngoan cố chống cự, có đối tượng lia cả băng đạn AK về phía đội hình của ta. Tình thế cực kỳ nguy hiểm buộc chỉ huy trận đánh phải phát lệnh tấn công.
Những tiếng súng nổ ran vang động cả núi rừng. Và trong làn đạn ấy, Thiếu úy Lường Phát Chiêm, cán bộ Phòng PC65 Công an tỉnh Sơn La cũng trúng một viên đạn vào đầu. Mặc dù được các bác sĩ cấp cứu tại chỗ, song vì vết thương quá hiểm, đồng chí Chiêm đã không qua khỏi. Đồng chí Nguyễn Thái Hà, cán bộ Phòng PC47 Công an tỉnh Sơn La cũng bị thương may mắn được cấp cứu kịp thời.
Sau hơn 30 phút, trận đánh đã kết thúc. Một cơn mưa rừng xối xả trút xuống bản Thung Cuông. Nhóm đối tượng bỏ chạy tứ tán khắp nơi, 5 đối tượng đã bị bắt cùng hàng trăm bánh heroin, súng đạn.
Trước đó khoảng 1 tháng, trận đánh mở màn cho Chuyên án đã diễn ra tại khu vực xã Chiềng Xuân (Mộc Châu, Sơn La). Nhiều ngày trước đó Ban chuyên án đã tổ chức cho cán bộ chiến sỹ tiến hành tập bắn tại trường bắn của công an tỉnh Sơn La. Họ được quán triệt, nếu phải bắn thì phải đảm bảo tránh gây tử vong cho đối tượng. Đồng thời, nhiều trinh sát được hóa trang thành công nhân nhà máy chè, nhà máy bò sữa ngày ngày vào trong Chiềng Xuân cắt cỏ, tránh gây nghi ngờ cho đám "chim lợn" của đối phương.
Trinh sát ta báo về, đường dây vận chuyển heroin từ Lào về Việt Nam, qua đường tiểu ngạch khu vực bản Nà Sàn xã Chiềng Xuân đã lên đường. 20 giờ đêm ngày 18-6-2014, Ban chuyên án lệnh 4 tổ công tác xuất phát. Trời tối đen như mực, các anh phải vừa nắm tay nhau vừa di chuyển. Đi một bước lại phải dừng lại để xóa dấu vết, tránh sự phát hiện của các đối tượng.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 19-6, nhóm đối tượng đã lọt vào ổ phục kích của ta. Vì khu vực này gần biên giới, nên các đối tượng đã nhanh chân trốn thoát, bỏ lại 48 bánh heroin cùng nhiều súng đạn. Hai ngày sau, hai đối tượng bị thương đang lẩn trốn tại một số nhà người dân đã bị bắt giữ.
Trung tá Vũ Văn Dưỡng, Đội trưởng Đội 1 Phòng 3 C47 cũng là một "nhân chứng sống" trong các trận đánh nảy lửa tại Vân Hồ, nhớ lại.
Giai đoạn 3 của Chuyên án, lực lượng chống ma túy tiếp tục tổ chức trận địa mai phục tại khu vực bản Nà Sàn, Chiềng Xuân vào tháng 9-2014. Cuộc đấu súng đêm ngày 25-9 đã khiến hơn 20 đối tượng bỏ chạy. Ta thu được 4 balo đựng 60 bánh heroin, gần 16 ngàn viên ma túy tổng hợp, 4 khẩu súng quân dụng và 54 viên đạn. Đối tượng Giàng Si (SN 1993 trú tại Pa Háng, Cụm Pa Háng - Huổi Hiềng, Xốp Pâu, Hủa Phăn) đã bị bắt giữ tại chỗ.
Tháng 3-2015, một trận phục kích nữa được tổ chức tại bản Nà Tén (Chiềng Sơn, Mộc Châu, Sơn La). Đêm ngày 8-3, ta phát hiện một tốp người Mông có vũ trang khoảng 8 đối tượng đeo balô căng xâm nhập vào nội địa. Lần này, các đối tượng còn mang theo cả chó săn sục sạo dò đường. Khi phát hiện thấy lực lượng truy bắt, các đối tượng đã chủ động nổ súng vào đội hình của ta. Tình thế nguy cấp, lực lượng truy bắt đã buộc phải nổ súng tiêu diệt một đối tượng tại chỗ; các đối tượng khác bỏ chạy. Ban chuyên án thu được 40 bánh heroin, 1 súng AK cùng 26 viên đạn, 1 súng K59 cùng 21 viên đạn.
Đêm ngày 3-5-2015, tại bản Khò Hồng (Chiềng Xuân, Vân Hồ) ta phát hiện 28 đối tượng đang đi vào nội địa. Cuộc đấu súng không thể tránh khỏi tái diễn. Lực lượng truy bắt đã tiêu diệt tại chỗ một đối tượng, thu 4 súng quân dụng cùng 90 viên đạn. Đặc biệt thu 13 balo với 160 bánh heroin.
3. Thượng tá Ngô Văn Hải, Phó trưởng phòng 3 C47 - người có mặt trong tất cả các trận vây bắt các băng ổ nhóm người Lào có vũ trang trong chuyên án - chia sẻ với chúng tôi. Sơn La có đến 250km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Luông Pha Băng và Hủa Phăn của Lào.
Một số tang vật của vụ án: vũ khí quân dụng và các bánh heroin.
Đây được xác định là điểm nóng về ma túy do nằm gần khu vực "Tam giác vàng", một trong ba khu vực trọng điểm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất của thế giới. Địa hình núi cao hiểm trở, lại được bao bọc bởi những cánh rừng già với hơn trăm con đường mòn, tiểu ngạch đã khiến tuyến biên giới Tây Bắc trở thành vùng đất "vàng" cho các đối tượng vận chuyển ma túy.
Với dân số khoảng hơn một triệu người, chủ yếu là dân tộc thiểu số, nhưng Sơn La có trên 18.000 người nghiện. Đặc biệt, xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ được cho là thủ phủ về ma túy khi toàn xã có hàng trăm đối tượng liên quan đến việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Qua thực tế công tác trinh sát trên tuyến, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túý xác định tuyến Tây Bắc là địa bàn nóng bỏng và phức tạp, trong đó xã Loóng Luông là một điểm nóng nhất. "Các đối tượng thường móc nối, liên kết và có sự phân công, phân cấp rõ ràng, tạo thành đường dây khép kín mua bán heroin từ các tỉnh biên giới Việt - Lào vào các tỉnh nội địa, rồi qua Lạng Sơn, Quảng Ninh đưa sang Trung Quốc. Các mắt xích của đường dây đều là những người trong dòng tộc. Họ có thể là bố mẹ, vợ con, anh em trong gia đình, những đối tượng khác khi tham gia vào đường dây đều được bọn chúng thử thách, kiểm tra rất kỹ càng".
Đặc biệt giá bán mỗi 1 bánh heroin tại Loóng Luông là khoảng 160 triệu đồng; nếu trót lọt ra khỏi Mộc Châu là 180 - 185 triệu đồng, còn nếu đưa về Hà Nội hoặc Quảng Ninh có thể lên tới 240 - 275 triệu đồng/bánh. Đây chính là động cơ để các đối tượng có chết cũng làm. Chúng đi qua các bản làng rất ngang nhiên, chỉ cần ai có cử chỉ bất thường là chúng nổ súng, đốt nhà ngay. Cũng chính vì thế mà cuộc chiến với các ổ nhóm đối tượng người Mông có vũ trang buôn bán ma túy luôn cực kỳ căng thẳng.
Sơ kết 5 giai đoạn của chuyên án 279LL, lực lượng truy bắt đã 5 lần đấu súng với các nhóm người Mông có vũ trang buôn bán ma túy. Ta thu tổng cộng hơn 400 bánh heroin, hàng chục ngàn viên MTTH, nhiều súng quân dụng như súng AK, CKC, súng ngắn K54, K59…Ban chuyên án đã bắt 11 đối tượng (trong đó có 4 đối tượng bị thương nặng đã tử vong). Những con số trên đủ nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến.
Hiện các lực lượng điều tra của C47 vẫn đang phối hợp với PC47 Công an tỉnh Sơn La tiếp tục mở rộng điều tra, xây dựng phương án để các giai đoạn tiếp theo của Chuyên án 279LL đấu tranh có hiệu quả hơn, hạn chế tối đa thương vong…
Tác giả bài viết: Minh Tiến