Tin địa phương

Nỗi lo của người dân tại khu tái định cư bản Cha Lo

Cuối năm 2020, mưa lũ kéo dài gây nguy cơ sạt lở rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của 34 hộ dân đồng bào dân tộc Chứt ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Chính quyền địa phương đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn. Đầu tháng 8-2021, 34 hộ dân được bố trí tái định cư nơi ở mới trong niềm vui của cả bản. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm người dân chuyển đến sinh sống, tại nơi ở mới phát sinh nhiều nỗi lo cần được các cấp chính quyền tháo gỡ kịp thời.

Khu tái định cư mới của người dân bản Cha Lo cách nơi ở cũ khoảng 3km, nằm đối diện với khu Di tích lịch sử Cổng Trời, trên tuyến Quốc lộ 12A. Khu tái định cư có diện tích gần 5ha, là nơi sinh sống của 34 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu. Mỗi ngôi nhà có diện tích 50m2, được làm chắc chắn, khang trang, an toàn, trị giá là 150 triệu đồng từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng của huyện Minh Hóa.

Một vị trí có nguy cơ gây sạt lở đất cao tại khu tái định cư bản Cha Lo.

Nhìn bề ngoài, khu tái định cư bản Cha Lo khá khang trang, sạch sẽ, chắc chắn. Tuy nhiên, khi vào bên trong mới thấy đời sống sinh hoạt của các hộ dân còn nhiều cái thiếu. Do quy mô đầu tư có hạn nên vẫn thiếu một số hạng mục như: Điểm trường học, nhà vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng, đất sản xuất, hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt đến tận nhà các hộ dân... Ông Hồ Cả, người dân khu tái định cư chia sẻ: “Nhà cũ của tôi là căn nhà sàn tạm bợ, lợp bằng lá cây rừng, thiếu chắc chắn.

Những trận mưa lớn cuối năm 2020 đã khiến hai quả đồi phía sau bản xuất hiện hai vết nứt kéo dài, có chiều rộng 30-40m. Đồi nứt, người dân ở bản Cha Lo vô cùng lo lắng, sợ đất lở, nhà trôi. Năm 2021, khi được các cấp chính quyền hỗ trợ di dời đến nơi ở mới có nhà xây kiên cố, gia đình tôi rất phấn khởi.

Tuy nhiên, về đây sinh sống thì gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ khu tái định cư mới này chỉ có 3 bể chứa nước nên việc sinh hoạt như tắm, giặt, nấu ăn... của một số gia đình ở xa bể chứa rất bất tiện. Nhà vệ sinh công cộng cũng không có nên càng khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, việc phóng uế ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm”.

Được biết, đồng bào ở đây hầu hết đều sống dựa vào nghề nông, nhưng muốn làm ruộng, trồng hoa màu hay phát triển chăn nuôi đều phải quay về nơi ở cũ để lao động sản xuất do nơi ở mới không có đất sản xuất. Thanh niên, đàn ông trong bản đều phải đi làm ăn xa, phụ nữ và người già thì ở nhà, gần như không có việc làm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, do không có điểm trường nên hằng ngày, bà con trong bản chở con cháu lên bản cũ để học tập rồi họ lên nương rẫy sản xuất. Có những hộ không có xe máy phải đi bộ lên đó ở, cho con học, sản xuất cả tuần mới về. Trong bản, muốn tổ chức hội họp, bà con cũng không có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Không chỉ khó khăn về thiếu đất sản xuất, nhà vệ sinh công cộng hay trường học, dù được chuyển đến nơi ở mới để tránh sạt lở nhưng hiện nay, người dân lại đang phải đối diện với tình trạng sạt lở tại khu tái định cư. Chỉ tay về phía điểm sạt lở, ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo cho biết: “Sau mùa mưa năm 2022 và các trận mưa kéo dài trong năm nay, khu vực bản mới cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất rất đáng lo ngại. Gần đây, các cấp chính quyền huyện Minh Hóa đã tiến hành dùng rọ đá để khắc phục ở một số điểm yếu, nhưng nguy cơ sạt lở vẫn còn cao, nếu không khắc phục hết những điểm có nguy cơ sạt lở thì người dân rất lo lắng...”.

Đồng chí Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: “Nhằm giúp bà con bản Cha Lo, xã đang tìm vị trí phù hợp để quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, trường học và nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, nguồn vốn để xây dựng các công trình này vượt quá khả năng của địa phương nên chúng tôi rất mong cấp trên, các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm... tiếp tục quan tâm, chia sẻ cùng bà con dân bản. Còn về điểm sạt lở, thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục hoàn toàn”.

Những nỗi lo mới của người dân ở bản Cha Lo vẫn chưa nguôi. Niềm mong mỏi được đầu tư các hạng mục còn lại của khu tái định cư và xử lý điểm sạt lở để yên tâm sinh sống, sản xuất của người dân nơi đây là rất chính đáng.

Tác giả: NGUYỄN HUYỀN

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP