Nợ công hơn 2,5 triệu tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước xác định nợ công đến 31/12/2015 theo Luật Quản lý nợ công là 2.556.039 tỷ đồng (hơn 2,5 triệu tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước cho hay: Nếu tính đầy đủ các khoản vay thực hiện trong năm 2016 để bù đắp bội chi năm 2014, 2015 số tiền 25.219 tỷ đồng và 8.171 tỷ đồng bù đắp bội chi năm 2015 đến thời điểm kiểm toán Bộ Tài chính chưa vay, thì nợ công là 2.589.429 tỷ đồng (gần 2,6 triệu tỷ đồng).
Như vậy, nợ công năm 2015 bằng 61,8% GDP, riêng nợ Chính phủ 2.098.022 tỷ đồng (gần 2,1 triệu tỷ đồng), bằng 50% GDP .
Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất gần 2.000 tỷ đang nằm đắp chiếu. Ảnh: L.Bằng |
Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Bộ Tài chính chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015 theo quy định của Luật Quản lý nợ công về báo cáo thông tin và công khai thông tin về nợ công; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu; theo dõi, thống kê, tổng hợp và báo cáo số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định.
Vì vậy, việc Bộ Tài chính tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ Chính phủ, chính quyền địa phương. Hơn nữa, mặc dù nợ doanh nghiệp nhà nước không có bảo lãnh Chính phủ không phải nợ công nhưng nguy cơ tiềm tàng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế và uy tín Chính phủ khi doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, không trả được nợ.
Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải cơ cấu lại, gia tăng nghĩa vụ của Quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, đến 31/12/2015, 56 dự án được cho vay lại có nợ quá hạn. Tổng nợ của các dự án cho vay lại này là hơn 28.000 tỷ đồng (chiếm 9,1% tổng dư nợ), chỉ tính riêng nợ của Vinashin đã lên tới gần 22.400 tỷ đồng, còn 55 dự án khác là trên 5.600 tỷ đồng.
Trong đó các khoản nợ quá hạn của 56 dự án này là khoảng hơn 9.700 tỷ đồng, trong đó Vinashin chiếm nhiều nhất với trên 6.500 tỷ đồng; 8 dự án đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hơn 1.400 tỷ đồng; Dự án Xi măng Hạ Long 268 tỷ đồng…
Kiểm toán Nhà nước cũng điểm mặt 10 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy để trả nợ với dư nợ gần 200 triệu USD (7 dự án nợ quá hạn và phải khoanh nợ 105,95 triệu USD, chiếm 53,2% tổng dư nợ ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ).
Trong đó, Dự án Nhà máy sản xuất bột Giấy Phương Nam 60,42 triệu EUR (quá hạn 41,9 triệu EUR, khoanh nợ từ năm 2014); Dự án Xi măng Hạ Long 52,21 triệu EUR (quá hạn 23,51 triệu EUR); Dự án Xi măng Thái Nguyên 30,79 triệu EUR (nợ quá hạn 14,27 triệu EUR).
Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, việc hoàn trả ngân sách nhà nước các khoản vay về cho vay lại chưa đầy đủ, kịp thời. Cụ thể khoản trả lãi trái phiếu quốc tế 2014 (cho vay lại SBIC) số tiền 24 triệu USD tương đương 515 tỷ đồng.
Chi ngân sách còn nhiều khuyết điểm
Kết quả kiểm toán cho thấy, chi ngân sách vẫn còn nhiều sai sót, thất thoát nghiêm trọng. Đặc biệt trong công tác chi đầu tư phát triển.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, việc xác định tổng mức đầu tư còn sai sót và chưa khắc phục được “vấn nạn kinh niên” trong việc đầu tư các dự án công là “liên tục điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần với giá trị lớn”.
Con tàu Vinashin “đắm” để lại gánh nặng cho nền kinh tế. |
Bên cạnh đó, công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán còn nhiều sai sót. Có dự toán được thẩm tra, thẩm định nhưng khi phê duyệt vẫn còn sai sót. Cụ thể kiểm toán 46 dự án nhóm A phát hiện dự toán sai sót trên 1.500 tỷ đồng. Cá biệt có trường hợp tổng giá trị dự toán vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Đơn cử Dự án xây dựng Trụ sở mới Bộ Ngoại giao vượt gần 2.000 tỷ đồng (gần 6.000 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường còn sai sót, không phù hợp với thực tế. Một số trường hợp bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định, xây dựng khu tái định cư tập trung vượt quá quy mô cần thiết. Điển hình Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên, xây dựng các khu tái định cư tập trung với quy mô vượt quá số hộ dân cần phải được bố trí tái định cư với giá trị khoảng 135 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng chỉ rõ, công tác nghiệm thu, thanh toán dự án còn nhiều sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán khối lượng chưa thi công.
Đặc biệt, có tình trạng giải ngân vượt tổng mức đầu tư. Điển hình là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 giải ngân vượt tổng mức đầu tư tới hơn 6.056,9 tỷ đồng.
Có dự án thanh toán không đúng theo điều khoản hợp đồng. Đó là Dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 thanh toán và ghi nhận chi phí đầu tư hơn 400 tỷ đồng đối với khoản chi phí than, dầu, đá vôi phục vụ công tác chạy thử theo quy định thuộc phạm vi trách nhiệm nhà thầu Hyundai.
Có dự án thanh toán vượt giá trị quyết toán; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Kết quả kiểm toán 1.228 dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm trừ gần 12.400 tỷ đồng.
Kiểm toán nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 như sau: - Thu cân đối ngân sách nhà nước: 1.291.342 tỷ đồng - Chi cân đối ngân sách nhà nước: 1.502.189 tỷ đồng - Bội chi ngân sách nhà nước: 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP thực tế. |
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet