Thế giới

Những điểm nhấn trong bài phát biểu làm nên lịch sử của bà Harris

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã khép lại đêm cuối cùng của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ bằng bài phát biểu dài gần 37 phút. Đây là bài phát biểu ngắn thứ 12 trong lịch sử hiện đại, nhưng gói gọn những thông điệp quan trọng mà bà muốn truyền tải với cử tri.

Qua bài phát biểu quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị trên sân khấu Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, bà Harris nêu bật tầm nhìn của mình trước toàn thể người dân Mỹ, giúp họ hình dung về một tương lai có nữ tổng thống đầu tiên.

Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris tại đại hội đảng ở Chicago, bang Illinois ngày 22/8.Ảnh: AP

Theo giới phân tích, sự kiện là cơ hội để bà Harris quảng bá hình ảnh của mình, tìm cách thu hút sự ủng hộ của cử tri, đẩy mạnh nỗ lực gây quỹ, đồng thời truyền tải thông điệp về việc bà sẽ trở thành một nhà lãnh đạo vượt trội hơn so với ứng cử viên tổng thống đảng cộng Hòa Donald Trump, sau khi được Tổng thống Joe Biden truyền lại “ngọn đuốc” tranh cử.

Trong bộ trang phục màu xanh navy, bà Harris tươi cười bước lên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội của các đại biểu tham dự đại hội, giữa không khí sôi đội của những người ủng hộ. Bà chính thức tiếp nhận đề cử trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, đồng thời vạch ra kế hoạch tương lai nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Bà Harris giới thiệu một tiểu sử cá nhân mang tính nhân văn và gây ấn tượng mạnh, tôn vinh lòng yêu nước cũng như đặc tính riêng của nước Mỹ, cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ, bất kể họ thuộc đảng phái nào.

Cổ vũ nồng nhiệt lòng yêu nước

Bà Harris đã mô tả việc tranh cử tổng thống của mình như một nỗ lực nhằm khơi dậy hy vọng mới và sự đoàn kết trên toàn đất nước, mang lại sự tôn trọng lớn hơn dành cho nước Mỹ trên trường quốc tế.

Phát biểu trước đông đảo các thành viên Dân chủ tại Chicago, bà nói: “Tôi thấy một quốc gia sẵn sàng tiến lên, sẵn sàng cho bước tiếp theo trong hành trình đáng kinh ngạc. Đó là nước Mỹ. Tôi thấy một nước Mỹ luôn giữ vững niềm tin, không hề sợ hãi và truyền cảm hứng cho toàn thế giới”.

“Giờ đến lượt chúng ta phải tiếp nối những gì mà các thế hệ trước đã làm. Được dẫn dắt bằng sự lạc quan và niềm tin, chúng ta cần phải chiến đấu cho đất nước mà chúng ta yêu mến”, bà Harris nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, lời kêu gọi về lòng yêu nước cũng được coi là nỗ lực nhằm bảo vệ bà Harris trước việc một số người Mỹ có thể không hài lòng với viễn cảnh một phụ nữ da màu gốc Nam Á lãnh đạo đất nước. Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu bà có thành công trong việc đẩy lùi quan điểm này hay không.

Nhắc lại tiểu sử

Cuộc bầu cử có thể sẽ được quyết định bởi một nhóm nhỏ cử tri do dự. Theo giới phân tích, nhiều người trong số này có thể vẫn chưa đưa ra quan điểm thống nhất về việc có hay không ủng hộ bà Harris.

Mặc dù bà Harris đã đảm nhiệm chức vụ phó tổng thống trong gần 4 năm và trước đó từng làm việc tại Thượng viện, nhưng nhiều người Mỹ vẫn chưa quen thuộc với hình ảnh của bà. Phó Tổng thống đã tìm cách xoa dịu những câu hỏi liên quan đến lý lịch của bà bằng cách giới thiệu tiểu sử gia đình, quá trình trưởng thành và nền giáo dục mà bà được hưởng.

Sinh trưởng trong gia đình có cha là người gốc Jamaica và mẹ là người Ấn Độ, bà Harris đã trở thành phụ nữ da màu gốc Nam Á đầu tiên được một đảng lớn đề cử làm ứng viên tổng thống. Bà kể một cách chân thật và trìu mến về cuộc sống thời thơ ấu tại một “khu phố xinh đẹp, dành cho tầng lớp lao động, gồm có lính cứu hỏa, y tá và các công nhân xây dựng”. Bà cho biết, mẹ bà là một người phụ nữ da màu thông minh, có chất giọng địa phương, đồng thời nói thêm “đôi khi tôi đã thấy được cách mà thế giới đối xử với bà ấy”.

Bà Harris cũng nêu tóm tắt các công việc mà bà từng đảm nhiệm, như công tố viên, tổng chưởng lý, thượng nghị sĩ và hiện là phó tổng thống. “Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chỉ có một khách hàng là người dân. Trong khi đó ông Trump chỉ hành động vì lợi ích của khách hàng duy nhất là chính bản thân ông ấy", bà Harris nói.

Quan điểm về chính sách đối ngoại

Bà Harris tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, cũng như ủng hộ việc củng cố quan hệ với các thành viên NATO khác.

"Nếu trở thành tổng thống, tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine và các đồng minh NATO của chúng ta", Harris cho biết.

Bà Harris đã chỉ trích những bình luận của ông Trump về cuộc chiến Nga-Ukraine hiện đã bước sang năm thứ 3. Trước đó, ông Donald Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kiev.

“Tôi sẽ không bao giờ dao động trong việc bảo vệ an ninh và lý tưởng của nước Mỹ”, bà Harris nhấn mạnh.

Liên quan đến cuộc xung đột tại Gaza, Phó Tổng thống Harris cam kết sẽ hành động để chấm dứt các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas, giúp bình ổn khu vực Trung Đông, đồng thời quyết tâm bảo vệ các lực lượng Mỹ khỏi những hành vi khiêu khích của Iran và các đối thủ khác.

Mặc dù cam kết "luôn bảo vệ quyền tự vệ của Israel" sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 và thúc đẩy việc thả các con tin, hối thúc các bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, bà Harris cũng nhấn mạnh đến tình cảnh khó khăn của người dân Palestine.

"Những gì đã xảy ra ở Gaza trong 10 tháng qua thật tàn khốc, rất nhiều sinh mạng vô tội đã mất đi. Những người dân tuyệt vọng, đói khát liên tục chạy trốn đến nơi an toàn. Điều đó thật đau lòng”.

Nêu bật quan điểm về vấn đề phá thai và tình trạng nhập cư

Trong bài phát biểu tại đại hội, Bà Harris cũng đề cập một trong những vấn đề chính là quyền phá thai của nữ giới. Bà cam kết khôi phục quyền phá thai trên toàn quốc sau khi Tòa án Tối cao Mỹ lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 Roe kiện Wade mà đã công nhận quyền phá thai theo hiến pháp của phụ nữ và hợp pháp hóa việc này trên toàn quốc. Chỉ sau khi phong trào bảo vệ quyền phá thai nổi lên từ năm 2022, vai trò của bà Harris mới được nâng cao. Nhiều thành viên Dân chủ kỳ vọng quan điểm của bà Harris trong vấn đề này sẽ giúp tập hợp được sự ủng hộ của các cử tri là nữ giới và thanh niên trẻ.

Về vấn đề nhập cư, Phó tổng thống nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới và cho rằng cần phải cải cách hệ thống tư pháp của Mỹ. Trước đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho rằng một trong những điểm yếu nhất của đảng Dân chủ là không xử lý được vấn đề nhập cư. Bà Harris được ông Biden giao nhiệm vụ tìm kiếm và giải quyết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Mỹ - Mexico, nhưng bà nhiều lần bị cả các thành viên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa chỉ trích vì không dành đủ thời gian khảo sát khu vực biên giới. Điều này đã khiến bà chịu nhiều công kích từ phe bảo thủ.

Giới phân tích cho rằng, trong bài phát biểu, bà Harris đã phác họa về một nước Mỹ khác với thời Trump, đồng thời cho thấy bức tranh của sự thay đổi trong tương lai mà ngay cả ông Biden khó có thể đưa ra.

Những bước tiến vượt bậc của bà Harris đã khiến nhiều người bất ngờ. Một số nhà quan sát tự hỏi làm thế nào một phó tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thậm chí thấp hơn ông Biden lại tỏa sáng đến vậy trên khấu chính trị.

Nhà bình luận David Smith của The Guardian cho rằng có ba lý do. Trước hết, đảng Dân chủ nhẹ nhõm khi biết bà là người thay thế ông Biden – người đã có cuộc tranh luận gây thất vọng vào tháng 6/2024. Xét về tuổi tác, bà Harris có lợi thế hơn so với cả ông Trump lẫn ông Biden và bà đã biến đây là vũ khí chồng lại đối thủ.

Thứ hai, các đồng minh của Tổng thống Biden đã nhận ra họ có thể hành động nhiều hơn để giúp đỡ bà Harris.

Thứ ba, bà Harris có vẻ là ứng cử viên phù hợp vào đúng thời điểm. Bà được kỳ vọng sẽ mang lại luồng gió mới trong nền chính trị của nước Mỹ.

Những yếu tố trên giúp giải thích vì sao tỷ lệ ủng hộ bà Harris lại tăng vọt trong tháng đầu tiên kể từ khi bà ra tranh cử. Tuy vậy, bà Harris vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Theo thời gian, bà sẽ phải chịu áp lực gia tăng trong việc công bố rõ ràng và chi tiết hơn những chính sách mà bà theo đuổi.

Tác giả: Hồng Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP