Ông Trần Xuân Vinh, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình trao đổi với phóng viên Tiền Phong |
Quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ
Theo ông Trần Xuân Vinh, từ thực tế những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhiệm kỳ 2015 -2020 xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và chủ trương đổi mới công tác cán bộ của tỉnh. Ngày 03/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thăm hỏi đồng bào A Rem sau trận bão số 10 kinh hoàng năm 2017 |
Nhằm triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy định 01-QĐ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức cho 144 người là các cá nhân nằm trong diện điều chỉnh ký cam kết. Có thể nói, Quy định số 01-QĐ/TU thể hiện sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; vai trò, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, từng bước rà soát, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ; tạo chuyển biến tích cực, đổi mới trong công tác cán bộ; đồng thời ràng buộc, nêu cao trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Từ Quy định 01-QĐ/TU, các tổ chức đoàn thể chính trị, sở ban ngành, các huyện, thị, thành phố đã cụ thể hóa, xây dựng và ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thuộc diện cấp mình quản lý. Đã có 1.149 trường hợp là người đứng đầu và 1.897 trường hợp là cấp phó của người đứng đầu ký cam kết theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Có nhiều cơ quan, đơn vị ban hành quy định hoặc kế hoạch và tổ chức ký cam kết đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị mình.
Ông Trần Xuân Vinh cho rằng, Quy định 01-QĐ/TU quy định rất chi tiết về trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu (tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật). Ngoài ra, hành vi sai phạm của vợ con, sự trì trệ của cơ quan, đơn vị cũng được đưa vào quy định để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Việc ràng buộc bằng ký cam kết và lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân, tránh đổ lỗi cho tập thể khi xảy ra sai phạm hay yếu kém trong điều hành quản lí.
Thước đo chất lượng cán bộ
Ông Trần Xuân Vinh cho biết: Qua hơn 2 năm thực hiện Quy định 01-QĐ/TU đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực công tác được nâng lên. Đồng thời, đã hạn chế tình trạng làm việc cầm chừng, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp; thiếu kiểm tra, đôn đốc; không nắm chắc tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Các nội dung của Quy định 01-QĐ/TU phù hợp với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XII) và Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 19/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Việc thực hiện Quy định 01-QĐ/TU góp phần thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong nội bộ; đồng thời cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái, không sâu sát cơ sở của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Sau hơn 2 năm thực hiện Quy định 01-QĐ/TU, Quảng Bình đã xử lí và sắp xếp, chuyển đổi vị trí công tác 77 trường hợp. Trong đó, 14 trường hợp cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lí, 18 trường hợp cấp huyện quản lí và 45 trường hợp cấp cơ sở. “Chưa có nhiệm kỳ nào mà cán bộ lãnh đạo các cấp bị xử lí kỷ luật, cách chức, điều chuyển công tác khác nhiều như nhiệm kỳ này, trong đó có nhiều người là giám đốc sở, ngành, chủ tịch các huyện… tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Việc ban hành quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như của các địa phương, cơ quan, đơn vị đã thực sự phù hợp “ý Đảng, lòng dân”, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng” - ông Trần Xuân Vinh nói.
Từ kết quả đạt được, Quảng Bình đã mạnh dạn thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như: Thực hiện mô hình Văn phòng phục vụ chung khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện; Nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; triển khai chủ trương thí điểm nhất thể hóa một số chức danh ở cấp huyện, như: Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận đồng thời là Trưởng Ban Dân vận huyện ủy; chuẩn bị triển khai thành lập văn phòng chung giúp việc ở cấp xã;… Thí điểm nhất thể hóa bí thư đồng thời là chủ tịch của 5 xã; sắp xếp lại tổ chức bộ máy các phòng, ban, tinh giản biên chế…
Quảng Bình là một trong những địa phương thí điểm thành công việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo; thí điểm việc tổ chức khảo sát nhân sự để thực hiện quy trình bổ nhiệm hoặc giới thiệu cán bộ ứng cử theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); dừng hoạt động chi bộ cơ quan xã, chuyển đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú; Mở các lớp dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lí nhiệm kỳ 2020-2025 từ tỉnh về đến xã cho 319 cán bộ và được đánh giá là một trong những tỉnh nằm ở tốp đầu cả nước hoàn thành việc cập nhật, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ dự nguồn cấp ủy các cấp. |
Nói về công tác cán bộ, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình nêu quan điểm: “Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ trong việc sử dụng cán bộ “Dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”. Vì vậy, trong công tác cán bộ phải sử dụng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường làm cho cán bộ yên tâm công tác. Kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là tình trạng bè phái, cục bộ địa phương, hẹp hòi, kèn cựa, mất đoàn kết… Công tác cán bộ là phải hướng tới mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, tạo nguồn cán bộ kế cận để đảm bảo chuyển giao công việc giữa các thế hệ. Bằng việc cụ thể hóa tiêu chuẩn, đảm bảo chặt chẽ quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự nhằm không để những người không xứng đáng, không đảm bảo tiêu chuẩn, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp”. Hoàng Nam |
Tác giả: HOÀNG NAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong