Mùa mưa trùng với dịp nghỉ hè khiến nhiều bệnh truyền nhiễm lây lan ở trẻ nhỏ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thời gian gần đây, TP.HCM và nhiều tỉnh phía nam ghi nhận sự gia tăng của nhiều bệnh truyền nhiễm. Trong khi một số bệnh đang vào mùa, các bệnh khác lại có sự nổi lên bất thường.
Nhiều bệnh truyền nhiễm vào mùa
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hiện nay gần như xuất hiện quanh năm. Tại các tỉnh phía nam, vào mỗi cao điểm mùa mưa, số trường hợp mắc bệnh lại được ghi nhận tăng cao hơn.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra do vector truyền qua vết đốt từ muỗi vằn mang mầm bệnh. Đây là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến thường xuất hiện ở những nơi có vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như Puerto Rico, quần đảo Thái Bình Dương, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể sốt, phát ban, nhức đầu, dễ bầm tím và chảy máu răng, nặng hơn là đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết dưới da. Đôi khi nó dẫn đến sốt xuất huyết, có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh virus Dengue là DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Mỗi type virus lại tương tác khác nhau với các kháng thể trong cơ thể người.
Theo The Hindu, khi nhiễm bệnh với một chủng virus, cơ thể người sẽ sinh ra kháng thể để chống lại chủng đó, nhưng vẫn có nguy cơ mắc các chủng còn lại, với lần sau có nguy cơ biến chứng nặng hơn lần trước.
Tay chân miệng
Tay chân miệng xuất hiện thường niên vào mỗi tháng 4-6 và 9-11 tại các tỉnh phía nam. Bệnh do virus đường ruột gây ra (thường gặp là Coxsackie virus A6, A10, A16 và Enterovirus 71), lây từ người sang người chủ yếu theo đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch.
Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền qua dịch, chất thải của trẻ nhiễm bệnh. Phụ huynh có thể nghi ngờ con mắc tay chân miệng khi xuất hiện các tổn thương hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, đôi khi ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
Trẻ mắc tay chân miệng thường có vết ban nổi ở lòng bàn tay, chân. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các bệnh do "lỗ hổng miễn dịch"
Sởi
Bên cạnh đó, sởi tại Việt Nam cũng ghi nhận gia tăng. Thống kê của Bộ Y tế tính đến tháng 6 cho biết cả nước có 130 ca mắc sởi; tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia dự đoán năm nay bệnh sởi sẽ có diễn biến bất thường theo chu kỳ bệnh truyền nhiễm 5 năm/lần. Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, trong cộng đồng tồn tại khoảng trống miễn dịch, nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Điều này cũng dẫn đến việc dịch sởi có khả năng diễn biến bất thường hơn trong năm nay.
Hiện, sởi có thể ngăn ngừa bằng vaccine. Trẻ em chưa được tiêm phòng đủ 2 mũi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi cần tiêm vét để đảm bảo tăng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên 95%. Điều này có thể giúp giảm khả năng bùng dịch cũng như bảo vệ trẻ hoàn toàn khỏi virus gây bệnh.
Ho gà
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.
Cơn ho gà điển hình khiến trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm có tính chất dai, trong suốt và sau đó là nôn ói.
Tiêm vaccine 5 trong 1 là biện pháp tốt nhất để tạo lá chắn miễn dịch giúp trẻ phòng bệnh ho gà. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo phụ huynh theo dõi lịch tiêm chủng của con và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi.
Không chỉ ho gà, vaccine 5 trong 1 còn giúp trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: lifestyle.znews.vn