|
Tôi vừa sinh con được hơn ba tháng, thế nhưng công ty đã gọi điện bảo tôi thu xếp đi làm. Họ bảo cuối năm việc nhiều, nếu tôi không thể đi họ sẽ tuyển người khác. Dù đó chỉ là doanh nghiệp tư nhân, nhưng công việc đó phải khó khăn lắm tôi mới tìm được. Có con rồi tôi lại càng không thể thất nghiệp. Cuối cùng vợ chồng tôi thống nhất nhờ bà nội ra trông cháu giúp một thời gian.
Bố mẹ tôi mất sớm, bố chồng tôi cũng mất cách đây ba năm. Vậy nên giờ nhìn đi nhìn lại chỉ có thể nhờ mẹ chồng. Mẹ chồng tôi tuy chưa già nhưng vì bà bị bệnh thấp khớp nên không còn có thể cày cấy, công việc xưa nay là nguồn sống của những người nông dân ở quê tôi. Bà cho người ta mượn hết ruộng, còn mình đi rửa bát thuê cho một quán phở ở chợ gần nhà, mỗi tháng cũng được hơn hai triệu. Ngoài ra mẹ còn nuôi gà, trồng rau để có thêm thu nhập. Mẹ chồng tôi còn phải nuôi một đứa em đang học cấp ba. Ngoài giờ học, chú ấy cũng theo thợ xây trong làng đi phụ hồ, bốc gạch để có thể tự lo sách vở cho mình.
Mẹ chồng tôi là người tham công tiếc việc, không bao giờ bà chịu ở không, cũng chẳng rời nhà đi đâu được vài ngày. Hồi tôi sinh, bà chỉ ra ở được một tuần là đòi về, nói chú em đi học rồi đi làm suốt ngày, nhà cửa rau gà không ai trông coi. Nhìn bà đứng ngồi không yên tôi bảo chồng thôi cứ để bà về. Sau sinh một tuần tôi phải tự dậy làm việc nhà. Thời gian đó chồng tôi cũng rất vất vả. Nhiều lúc tôi ứa nước mắt ước như mình còn mẹ thì tốt biết bao nhiêu.
Tôi đã tự nhủ nếu thực sự không quá cần thì sẽ không phiền đến mẹ chồng, nhưng với tình hình này có lẽ không còn lựa chọn nào khác. Bởi con tôi còn nhỏ quá mà cuối năm tìm người giúp việc rất khó, đó là chưa kể đến việc số tiền để thuê người cũng là một khoản đáng kể so với thu nhập của vợ chồng tôi.
Chồng tôi gọi điện về nhờ mẹ chồng. Mẹ chồng nói đủ lý do không muốn ra. Rằng gà đang nhỏ chưa thể bán. Rau cải đang vào vụ không bán thì sẽ già. Rồi nghỉ chân rửa bát đó thì sau này về không còn việc mà làm, lấy gì lo cho chú ăn học. Chồng tôi nghe thế liền nói “Mẹ ra trông cháu cho con, chúng con sẽ trả tiền lương cho mẹ coi như mẹ đi làm. Nếu cần bọn con sẽ phụ tiền học cho chú nữa”. Tôi nghe chồng tôi nói thế đã không thấy hài lòng. Ai đời, bà nội ra trông cháu lại nói sẽ trả tiền công cho bà. Nói vậy thì mất hết tình cảm đi.
Chồng bàn với tôi, nếu bà nội ra trông cháu, mỗi tháng chúng tôi sẽ đưa bà ba triệu, coi như trả lương cho bà. Bà nghe vậy có vẻ cũng đồng ý rồi. Tôi nghe xong cảm thấy vô cùng khó chịu. Bà là mẹ, là bà nội, ra giúp con giúp cháu mà còn lấy tiền công, càng nghĩ tôi càng cảm thấy không ra làm sao, lại còn phải rõ ràng sòng phẳng như vậy. Đó là chưa kể bà còn ăn ở nữa. Với số tiền đó tôi hoàn toàn có thể thuê một người trông con trong giờ tôi đi làm, vừa khỏe người lại vừa không mang tiếng nhờ cậy mẹ chồng rồi sống cảnh mẹ chồng nàng dâu.
Tôi nói với chồng: “Mẹ ra trông con cho thì em rất mừng. Mẹ trông con đến khi con cứng cáp rồi ra năm em cho đi trẻ. Thỉnh thoảng em sẽ đưa bà tiền tiêu vặt. Khi nào bà về em sẽ biếu tiền bà, chứ anh nói trả công hàng tháng cho bà em nghe không ổn”. Chỉ vậy mà chồng tôi cáu với tôi, nói bà ra trông con cho đã là may lắm, với mẹ chồng mà còn tính toán công sá tiền nong. Rồi bà ở nhà đi làm thuê, trồng rau nuôi gà còn hơn số tiền đó mà khỏe thân hơn, nếu không vì con vì cháu thì ai thèm vào ra mà hầu con dâu cháu nội làm gì cho mệt xác.
Cuối cùng anh chốt: “Nếu muốn bà ra thì phải trả tiền cho bà, còn phải phụ cho chú em ăn học ở quê nữa. Còn nếu tiếc tiền thì ở nhà mà ôm con”. Tôi đoán là chồng tôi và mẹ chồng đã thống nhất như thế rồi nên anh mới căng với tôi như vậy. Tôi nghĩ đi nghĩ lại vẫn không biết là mẹ chồng và chồng tôi quá đáng hay là do tôi ích kỷ nhỏ mọn như chồng tôi nói. Bà nội ra trông cháu mà phải trả tiền công cho bà mới đúng đạo lý hay sao?
Tác giả: Ngọc Hoài
Nguồn tin: Báo Dân trí