Sáng 6/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng cho biết, trong năm 2017, Sở đã tham mưu cho thành phố ban hành quyết định thu hồi 19 dự án với tổng diện tích 161,6ha; giao đất, cho thuê đất đối với 25 hồ sơ với tổng diện tích 571,8ha; gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đối với 10 khu đất với tổng diện tích 68,8ha…
Tổ chức cấp mới, cấp đổi, cấp lại tổng cộng gần 28.900 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Toàn cảnh buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với Sở Tài nguyên - Môi trường |
Thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sở đã chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai lập thủ tục điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh từ giao lâu năm thành 50 năm. Đến nay đã thực hiện điều chỉnh thời hạn sử dụng được 94 trường hợp.
Về lĩnh vực môi trường, Sở đã tham mưu thành phố triển khai các hoạt động đề án “Thành phố môi trường”, đề xuất lộ trình thực hiện; tham mưu thành phố công tác chuẩn bị đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn…
Phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng cho biết, cần có quy trình chung trong xúc tiến đầu tư đối với những khu đất ngoài khu công nghiệp.
“Vừa rồi có đại lý xin làm đại lý hãng xe, muốn tiếp cận khu đất nhưng khu đất đó chưa đấu giá. Cần có thời gian, địa điểm rõ ràng hơn để họ khỏi đi lên đi xuống nhiều lần”, ông Sơn nói.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, câu chuyện nhà đầu tư tiếp cận đất đai đối với một địa phương rất quan trọng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường |
“Bây giờ tôi là một nhà đầu tư, tôi muốn tìm một quỹ đất để làm trường học thì có trả lời được không? Ai trả lời? Nếu chúng ta không trả lời được là quản lý chúng ta chưa có gì”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, nhìn vào bản đồ quy hoạch của một địa phương người ta phải biết ngay miếng đất đó là để làm gì. Các nhà đầu tư người ta nhìn vào có ưng hay không? Khi công bố có bao nhiêu người quan tâm đến cái đó?
“Khi chưa có cái đó thì quản lý cái gì? Không biết miếng đất đó dùng để làm gì? Ví dụ như Hải Châu bây giờ còn bao nhiêu ô trống? Ô trống đó để làm gì? Có trả lời được ko?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề có đáng cảnh báo hay không về câu chuyện các nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai.
“Ví dụ có nhà đầu tư Nhật muốn đầu tư một khu vui chơi cho trẻ em, diện tích 1ha ở quận trung tâm, bây giờ hỏi ai? Sau buổi làm việc này, tôi yêu cầu báo cáo tình hình đất đai ở 2 quận Thanh Khê và Hải Châu có báo cáo được ko? Nếu không được thì chưa gọi là quản lý, chưa là ông chủ của thành phố này”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, nhìn vào quy hoạch của một quận chúng ta biết đất trường học bao nhiêu? Cây xanh bao nhiêu?... Đó mới là quy hoạch.
Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, ở các địa phương khác, nhà đầu tư chỉ biết đến Sở Kế hoạch – Đầu tư thôi. Còn Sở Kế hoạch – Đầu tư phải có trách nhiệm làm việc với các sở khác và trả kết quả lại cho nhà đầu tư. Chứ không phải họ đến gặp Sở Kế hoạch – Đầu tư thì ông Sở Kế hoạch – Đầu tư chỉ sang gặp ông nọ, ông kia.
“Trong quá trình cải cách hành chính, đừng có để một câu trả lời: “cái này không thuộc sở tôi, mà sở khác”. Các đồng chí nghiên cứu lại”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng phải có một người chủ trì để các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng. Và đó chính là Sở Kế hoạch – Đầu tư, là nơi đầu tiên mà các nhà đầu tư đến. Còn các sở, ngành khác chỉ là khẳng định thêm thôi. Sở Kế hoạch – Đầu tư phải có một quỹ thông tin để cung cấp cho các nhà đầu tư.
Liên quan đến việc UBND TP Đà Nẵng quyết định đóng cửa hai nhà máy thép gây ô nhiễm, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho biết đó là chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và đã có giao có Ban cán sự đảng UBND thành phố thực hiện theo đúng quy trình của pháp luật.
“Làm việc với Sở Tài nguyên có nội dung đánh giá 10 năm “Thành phố môi trường”, làm chúng ta phải suy nghĩ: tại sao lại tồn tại hai nhà máy thép gây ô nhiễm đó. Áp lực của nhà máy là áp lực di dân tái định cư. Câu chuyện này rất đáng suy nghĩ”, ông Nghĩa cho hay.
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: Báo Dân trí