Một tiết học kỹ năng sống về vấn đề giới tính của Trường THPT Marie Curie |
Không coi trọng tư vấn tâm lý học đường
Tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) ngày càng trở thành nhu cầu rất cần thiết. Bởi đạo đức, lối sống của HS ngày càng có biểu hiện phức tạp. Đồng thời, hằng ngày phải chịu những áp lực về học tập, thi cử… nên HS cần những định hướng về hành vi, chia sẻ, đồng cảm trong suy nghĩ.
Trong hội thảo cấp quốc gia về xây dựng mô hình tư vấn tâm lý, Bộ GD-ĐT công bố kết quả khảo sát tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Khánh Hòa… cho thấy có đến trên 90% HS gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý. Trong đó, HS THPT là lứa tuổi cần được tư vấn nhiều nhất.
Quan trọng là vậy, nhưng rất nhiều người phụ trách công tác này trong nhà trường đang nản chí, muốn tìm việc làm khác để ổn định cuộc sống, vì ngành giáo dục lại không coi trọng tư vấn tâm lý cho HS, thể hiện qua việc không có định biên cho giáo viên làm công tác này.
Phụ trách phòng tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở H.Hóc Môn (TP.HCM) gần 4 năm qua, ông T.V.L dù phải xây dựng chuyên đề, lên tiết dạy nhưng chỉ được nhận lương ngạch nhân viên chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Cho đến khi giáo viên môn giáo dục công dân nghỉ sinh, ông được xếp lớp dạy thay thì mới nhận 30% phụ cấp đứng lớp của giáo viên. Khi những giáo viên nói trên hết thời gian nghỉ hậu sản thì ông T.V.L phải trả lớp dạy và nhà trường lại sắp xếp công việc khác để có thu nhập.
Hay bà L.T.B.H đang công tác tại trường THPT ở Q.Tân Phú chia sẻ, khi thi công chức và trong quyết định bổ nhiệm ghi chức danh là giáo viên nhưng nhận nhiệm sở, nhà trường phân công vào tổ văn phòng. Ngoài trực tư vấn, dạy kỹ năng sống cho HS, bà H. còn được phân công làm công tác giám thị một ngày trong tuần.
Tương tự, một người làm công tác tư vấn học đường tại trường phổ thông của Q.Bình Thạnh cho hay ngoài thời gian trực phòng tư vấn, nhiều khi nhà trường “kêu phụ việc này việc kia, có những việc không đúng chuyên môn. Nhiều khi phải mạnh dạn từ chối vì còn dành thời gian nghiên cứu thêm lĩnh vực chuyên môn của mình. Thật sự, tôi có cảm giác công việc của mình không được coi trọng”.
Không có trong khung vị trí việc làm
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2008, UBND TP.HCM ban hành Văn bản số 5344 về định biên các chức danh trong tổ chức bộ máy các trường học tại TP.HCM. Dựa vào đó, các trường trung học được tuyển giáo viên tâm lý theo biên chế và tính cho đến nay hơn 100 trường THPT đã có phòng tư vấn tâm lý học đường.
“Đùng một cái”, tháng 1.2015, UBND TP.HCM có công văn bãi bỏ Văn bản 5344 bởi trong một đợt thanh tra, kiểm tra, TP.HCM đã bị “tuýt còi” vì chức danh giáo viên tư vấn tâm lý không có trong quy định định biên, định mức, chức danh giáo viên của Bộ.
Đến tháng 4 vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường cho HS phổ thông, khiến hầu hết giáo viên đang làm công tác tư vấn tâm lý tỏ ra phấn khởi vì thấy công việc của mình đã được nhìn nhận. Bởi dự thảo thông tư chỉ ra cụ thể nội dung thực hiện, công tác tổ chức nhân sự…
Nhưng chưa kịp vui mừng thì tháng 7, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 16 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập hoàn hoàn không đề cập đến vị trí giáo viên tư vấn tâm lý học đường.
Ông Trần Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức), chỉ ra khó khăn: “Nếu không có định biên tức là hoạt động này sẽ phải sử dụng giáo viên kiêm nhiệm. Như vậy e rằng sẽ không đạt hiệu quả, thiệt thòi cuối cùng vẫn là HS”.
Còn theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Bích Phượng, Trường THPT Marie Curie (Q.3), giáo viên làm kiêm nhiệm công tác tư vấn học đường sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ.
Tác giả: Bích Thanh
Nguồn tin: Báo Thanh niên