Trà sữa, đồ uống đang thịnh hành trong giới trẻ. Ảnh: |
T.T.H, 28 tuổi, giáo viên một trường tiểu học tại thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, cho biết thời gian qua nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng tại Hà Nội và TP.HCM đã du nhập vào thành phố Hưng Yên, tuy nhiên giá thành khá cao, mỗi ly ít nhất là 45.000 đồng, có ly giá 70.000 đồng (tính cả trân châu và thạch). Do đó nhiều bạn trẻ tại đây chọn những cửa hàng trà sữa nhỏ hơn, không có thương hiệu để uống, với giá thành rẻ bằng một nửa, thậm chí 1/3.
“Tôi từng mua một ly trà sữa giá 25.000 đồng của một quán nhỏ trong thành phố, vị khác hẳn những lần tôi từng uống trong các tiệm có tên tuổi. Một lần tình cờ tôi đi ngang khu bếp của quán này và tá hỏa thấy họ đang nấu trân châu, xung quanh rất mất vệ sinh, thành phẩm có mùi khó chịu. Tôi sợ quá, không bao giờ dám trở lại quán”, chị T.T.H cho biết.
Người trẻ xếp hàng đợi mua trà sữa tại TP.HCM. Ảnh: TẤN HIỆP |
Theo chị T.T.H, trong khoảng nửa năm trở lại đây, xu hướng uống trà sữa lan rộng trong giới học sinh. Chị H. cho hay nhiều chợ nhỏ lẻ trong thị trấn và thành phố Hưng Yên bán trân châu làm sẵn, bày bán mất vệ sinh, không che chắn bụi, ruồi.
“Nếu số trân châu này rơi vào các ly trà sữa thì không biết hậu quả như thế nào. Có học trò của tôi uống đến 10 ly trà sữa một tuần, giá mỗi ly từ 50.000 - 60.000 đồng, các em nói do bố mẹ cho tiền. Tôi nhắn với các em, uống nhiều sẽ không tốt, nên chọn cửa hàng uy tín để mua đồ uống”, chị H. nói.
Nguyễn Tường Vy, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học dân lập Phương Đông, Hà Nội cho hay cô và các bạn bè của mình ít khi vào những tiệm trà sữa lớn để mua đồ uống bởi giá thành khá cao.
“Một ly nước mía, sữa đậu nành giá chỉ 10.000 đồng, trà đào cũng khoảng 30.000 đồng, trong khi trà sữa thì từ 50.000 đồng/ly, nếu có thêm trân châu, thạch, kem sữa thì giá còn cao hơn nữa”, Vy lý giải.
Vy thừa nhận, ở Hà Nội có nhiều điểm bán trà sữa không rõ nguồn gốc, giá thành rẻ hơn rất nhiều, có thể 10.000 - 15.000 đồng/ly, mức giá này hấp dẫn với nhiều học sinh, ít tiền cũng có thể mua được trà sữa để khoe với bạn bè, “vừa uống cho kịp xu thế chung để không bị chê là lạc hậu”.
“Trên đường Cầu Giấy có một quán trà sữa hẹp, nằm nép trong vỉa hè, năm trước mỗi ly chỉ có giá 10.000 đồng, tuy nhiên tôi quan sát bột trà sữa các màu xanh, đỏ, vàng đựng trong những chiếc hũ, không biết xuất xứ từ đâu. Còn trân châu cũng do người ta tự làm, bạn tôi có rủ đến một lần nhưng tôi không dám uống”, Vy kể lại.
Nên tiêu tiền một cách tỉnh táo
Chưa bao giờ trà sữa bùng nổ ở các đô thị lớn như 1 - 2 năm trở lại đây. Hà Nội và TP.HCM, mặt tiền các con phố trung tâm, dù được thuê với giá đắt đỏ, các quán trà sữa vẫn mọc lên như nấm.
Tại TP.HCM, dọc hai bên phố đi bộ Nguyễn Huệ, san sát các tiệm trà sữa được trang trí đẹp long lanh với đủ các thương hiệu. Phố Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) hay Ngô Đức Kế (Q.1) cũng được gọi là “phố trà sữa”. Nhiều cửa hàng, nhiều thương hiệu, nhưng lượng người uống không giảm, ở nhiều cửa hàng giới trẻ còn phải xếp hàng để đợi đến lượt mình mua thứ đồ uống này.
Nên uống trà sữa với cái đầu tỉnh táo Bảo Ngọc |
Bên cạnh đó, phân khúc thấp hơn của loại đồ uống này là các loại trà sữa được quảng cáo là “home-made” (làm tại nhà). Trên một số tuyến đường ở Q.5, TP.HCM, các quán trà sữa mang đi với tấm biển quảng cáo là “trà sữa mẹ nấu”, “trà sữa nhà làm” có khá đông khách hàng là học sinh, sinh viên.
“Tôi uống ở đây cũng được 1 năm rồi. Mỗi tuần khoảng 2 ly, ngon miệng, vị thơm”, Bảo Trân, 19 tuổi nói về ly trà sữa giá 20.000 đồng mua được trong quán nhà làm ở đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5.
Theo Trân, cũng khá khó để biết trà sữa nào là an toàn, không hẳn cứ đắt tiền, quán lớn sẽ tốt cho sức khỏe. “Tôi nghĩ không nên uống quá nhiều trà sữa. Tôi từng vào bếp xem chủ quán nấu trà sữa và yên tâm mua tại đây”, Trân nói.
Nguyễn Phương Nam, 25 tuổi, sinh viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cho hay: “Nên tiêu tiền một cách tỉnh táo. Trà sữa cũng giống mọi thức uống khác, không phải cứ uống nhiều là tốt cho sức khỏe, nên chọn những thương hiệu, cửa hàng có uy tín để thưởng thức”.
Tác giả: Thúy Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh niên