Hệ thống Aegis Ashore tại Romania (Ảnh: Navy.mil) |
Theo SCMP, nội các Nhật Bản ngày 19/12 đã phê chuẩn kế hoạch của Bộ Quốc phòng nước này nhằm mua 2 hệ thống tên lửa Aegis Ashore, bổ sung thêm vào mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện có của Nhật Bản gồm hệ thống Patriot và các tàu khu trục trang bị tên lửa Aegis. Hai hệ thống này dự kiến trị giá khoảng 1,8 tỷ USD.
Động thái trên nhằm nâng cao vai trò quốc tế của Nhật Bản cũng như tăng cường khả năng chiến đấu của hệ thống tên lửa nước này. Kế hoạch sẽ bắt đầu được triển khai từ năm 2023.
Cuối tháng trước, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa này đã rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
“Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn và cấp thiết hơn với nền an ninh quốc gia. Nhật Bản cần tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa”, chính phủ Nhật chia sẻ lý do thông qua việc mua hệ thống Aegis Ashore.
Aegis Ashore là biến thể trên đất liền của hệ thống chiến đấu Aegis tích hợp trên tàu chiến. Nó bao gồm hệ thống radar, các máy tính và hệ thống tên lửa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã cân nhắc về hệ thống tên lửa tiên tiến khác của Mỹ là Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhưng cuối cùng đã chọn Aegis Ashore do một số yếu tố, trong đó có chi phí hiệu quả.
Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm vận hành hệ thống Aegis Ashore. Hệ thống này sẽ được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A, phiên bản cải tiến của tên lửa SM-3 với tầm bảo vệ rộng và độ chính xác cao hơn.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch chọn địa điểm để lắp đặt hệ thống, nhưng việc triển khai có thể gây ra mối quan ngại về ảnh hưởng của sóng radar với các cư dân sống gần hệ thống vũ khí tối tân này.
Trước đó, Nhật Bản đã lên kế hoạch chi tiêu quốc phòng kỉ lục, trị giá 41 tỷ USD, cho tài khóa kế tiếp, trong bối cảnh mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên ngày càng gia tăng. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay Tokyo cũng dự tính mua tên lửa đạn đạo tầm xa từ các công ty quốc phòng Mỹ với tầm tấn công 900km. Động thái này có thể gây nên tranh cãi do hiến pháp hoà bình của Nhật Bản cấm sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết tranh chấp quốc tế.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí