Kinh tế

Nhân viên bán gas "chạy sô" hơn cả nghệ sĩ, làm sao ghi số bình?

Doanh nghiệp cho rằng việc lập sổ ghi chép theo dõi bình gas gây nên tình trạng ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ quá lâu để giao nhận và đối chiếu số sê-ri, ngày kiểm định.

Nghị định 87 của Chính phủ về kinh doanh khí quy định doanh nghiệp, đại lý bán lẻ gas phải có sổ theo dõi ghi chép từng sản phẩm bình, tên doanh nghiệp, địa chỉ, số sê-ri, loại bình, hạn kiểm định, ngày giao hàng, tên khách hàng, địa chỉ (khi thu hồi vỏ bình về cũng phải có sổ theo dõi). Các trạm sang chiết gas cũng phải có sổ theo dõi. Sổ theo dõi này là cần thiết vì khi xảy ra sự cố sẽ có cơ sở để giải quyết chính xác đường đi của bình gas.

Tuy nhiên, sau hơn hai tháng nghị định mới có hiệu lực (từ ngày 1-8) đã xảy ra bất cập về việc ghi sổ này. Nhiều doanh nghiệp, đại lý kêu trời vì không thể nào thực hiện được. Một số doanh nghiệp nghiệp, đại lý tại TP HCM đã kiến nghị Hiệp hội Gas Việt Nam nhanh chóng có hướng giải quyết.

Doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas ở TP HCM kêu khó thực hiện quy định về ghi chép vỏ bình gas. Ảnh: Tấn Thạnh

Do đó, Hiệp hội đã tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp gas và gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị có biện pháp tháo gỡ về vướng mắc này.

Văn bản của Hiệp hội gas nêu rõ khi ghi chép việc nhìn bằng mắt số sê-ri và hạn kiểm định rất khó khăn và dễ gây nhầm lẫn do dãy số này dễ bị mờ, không rõ ràng nên khó đọc do vỏ bình bị luân chuyển nhiều gây trầy xước và vỏ bình bị sơn lại nhiều lần. Việc ghi chép số sê-ri và ngày kiểm định tại cửa hàng mất nhiều thời gian, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông do xe phải dừng đỗ quá lâu để giao nhận và đối chiếu số sê-ri, ngày kiểm định.

Bên cạnh đó, TP HCM ra quy định mới cấm giờ xe tải vào nội thành tăng thêm 1 tiếng nên việc ghi chép lâu làm cho quá trình giao hàng bị chậm trễ, doanh nghiệp chịu thiệt hại. Tại kho xuất hàng cho xe đi giao hàng, doanh nghiệp phải tăng cường thêm nhân công để phục vụ việc ghi số sê-ri, vừa tốn nhiều thời gian vừa tổn hại đến sức khỏe công nhân.

Ông Nguyễn Văn Lân, Tổng Đại lý Gas Nguyên Khuê (TP HCM), cho biết việc truy xuất nguồn gốc vỏ bình gas là tốt nhưng không thể làm theo kiểu truy xuất nguồn gốc của con heo được. Vì bình gas từ sản xuất cho đến tay người sử dụng không theo một quy luật nào. Việc bắt buộc phải ghi chép gây nên gánh nặng cho doanh nghiệp, tăng chi phí, rủi ro cho cơ sở kinh doanh.

Ông Hoàng Khắc Vinh, chủ cửa hàng gas ở quận 4, TP HCM, cho rằng việc ghi chép này chẳng khác nào "giết chết" cửa hàng. "Nhân viên cửa hàng phải "chạy sô" còn hơn cả nghệ sĩ, tức họ bỏ việc liên tục thì làm sao ghi chép. Huấn luyện ghi chép được rồi thì họ lại nghỉ việc, người mới vào lại phải có thời gian hướng dẫn tiếp" - ông Vinh than vãn và đề nghị gắn chip điện tử cho từng bình sẽ dễ quản lý hơn.

Đại diện Công ty gas Anpha khẳng định doanh nghiệp rất khó thực hiện quy định về ghi chép vì vỏ bình thu hồi về không giống như vỏ bình xuất bán ra, tức số sê-ri không thể trùng khớp với nhau. "Việc quay vòng vỏ bình trên thị trường rất lớn nên khi thu hồi không thể theo số thứ tự ban đầu. Quy định này buộc chúng tôi phải tăng năng suất lao động, tăng thêm lực lượng lao động lên gấp hai, gấp ba lần mới mong giải quyết được việc ghi chép này" - đại diện công ty này nêu thực tế.

Tác giả: Ng.Hải

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: số bình , bán gas , nhân viên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP