Tính đến hết năm 2016, tổng lỗ luỹ kế của dự án lên tới 1.096 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch. |
Dự án này do liên doanh bao gồm Tổng công ty thép Việt Nam (Vnsteel), Công ty Khoáng sản Lào Cai (Lamico) và Tập đoàn gang thép Côn Minh (KISC - Vân Nam, Trung Quốc) thực hiện. Dự án được Thủ tướng chấp thuận đầu tư vào tháng 9/2006. Công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 8/2014.
Chậm tiến độ, điều chỉnh mức đầu tư
Qua thanh tra cho thấy, nội dung liên doanh và điều lệ của VTM còn một số tồn tại, hạn chế như: việc xuất khẩu quặng sắt Quý Xa giao cho KISC đã làm giảm tính chủ động của VTM trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, quy định toàn bộ dự án đầu tư ra bên ngoài trên 200 nghìn USD và hạng mục kinh doanh nội bộ trên 100 nghìn USD phải được sự nhất trí tuyệt đối của các bên khiến việc thực hiện khó khăn.
Sau khi công ty liên doanh được thành lập, năm 2007, Hội đồng VTM đã phê duyệt 2 dự án với tổng mức đầu tư ban đầu gần 175 triệu USD, trong đó dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa có tổng mức đầu tư là 23,5 triệu USD (tương đương 378,6 tỷ đồng) và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai có tổng mức đầu tư 151,4 triệu USD (tương đương 2.440 tỷ đồng).
Hơn 2 năm sau, tổng mức đầu tư của 2 dự án được điều chỉnh tăng gần gấp đôi lên 335,6 triệu USD. Trong đó, dự án mỏ sắt Quý Xa điều chỉnh lên 28,7 triệu USD (510 tỷ đồng) và dự án nhà máy gang thép Lào Cai gần 307 triệu USD (5.464 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tổng giá trị quyết toán của 2 dự án là 268,6 triệu USD, giảm 67,1 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt. Vì vậy, không vượt tổng mức đầu tư.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhà máy còn để xảy ra một số tồn tại. Trong đó có nội dung, giá trị phê duyệt dự án lần đầu là lấy theo giá trị khái toán của Báo cáo đầu tư tháng 8/2005 do KISC lập sơ sài, quá trình tổ chức lập và phê duyệt điều chỉnh lại kéo dài và phải bổ sung nhiều hạng mục nêu trên dẫn đến tổng mức đầu tư sau điều chỉnh tăng hơn 2 lần so với dự án ban đầu đã duyệt.
Ngoài nguyên nhân trên còn một số nguyên nhân làm dự án chậm triển khai, chậm tiến độ dẫn đến phải điều chỉnh dự án, xác định lại tổng mức đầu tư, tính toán hiệu quả kinh tế, tăng mức đầu tư ban đầu như: mất nhiều thời gian trao đổi giữa các bên liên doanh, do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư…
Trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt và dự toán, do chưa tiên lượng được thực tế hiện trạng về địa chất, chưa xác định nhu cầu xử dụng và thay đổi dây chuyền công nghệ nên khi thi công phải điều chỉnh chi phí xây dựng, tăng chi phí so với dự toán.
Lỗ liên tiếp sau khi đi vào hoạt động
Kết quả thanh tra chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến dự án bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm sau khi đưa vào hoạt động.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, tổng lỗ luỹ kế 1.096 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch, trong 2 năm đầu khi Nhà máy gang thép đi vào hoạt động, VTM được phép lỗ theo kế hoạch 555 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thu lỗ là do giá bán sản phẩm phôi thép trên thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh. Tại thời điểm lập và phê duyệt dự án, giá nhập phôi thép về Việt Nam bình quân là 12,34 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, thực tế giá phôi thép VTM bán ra bình quân trong năm 2015 là 7,9 triệu đồng/tấn, năm 2016 là 7,685 triệu đồng/tấn.
Dự án cũng thua lỗ do lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư.
Mặt khác, cơ cấu đầu tư dự án chủ yếu sử dụng vốn vay thương mại dẫn đến chi phí tài chính của VTM rất cao, chi phí tài chính chiếm tới 11% giá thành.
Bên cạnh đó, do giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài nên khi thực hiện dự án trùng vào thời điểm trong nước và khu vực chịu ảnh hưởng của “bão giá”, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, trong khi giá nhân công tại địa phương liên tiếp điều chỉnh dẫn đến tăng chi phí xây dựng.
VTM phải thêm chi phd, mất thời gian để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây khu tái định cư với chi phí 410 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên thị trường giảm mạnh, việc khai thác phục vụ sản xuất và tiêu thụ không đạt sản lượng làm giảm hiệu quả dự án. Giá than cốc chiếm 40% giá thành luôn biến động tăng do ảnh hưởng chính sách tiết giảm sản lượng than và siết chặt tải trọng vận chuyển của Trung Quốc dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.
Về nguyên nhân chủ quan cũng được thanh tra chỉ ra rằng, nhà máy mới đi vào hoạt động nên trình độ quản lý, vận hành của đội ngũ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu làm chủ công nghệ và quản lý sản xuất kinh doanh.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí