Nguyên văn bài thơ là “Giải oan chùa, suối nổi danh/Người đời mê mẩn, loanh quanh, nực cười/ Oan mà giải được, ai ơi/ Đêm đêm cuốc chẳng hoài hơi kêu sầu”.
Cúng vái "thần rắn" |
Không biết nỗi oan ấy là của ai, và ai là người đã “giải” được? Chỉ biết từ khi có 4 câu thơ đó, chùa suối càng trở nên nổi danh. Và hàng năm, nhân hội chùa Hương, hàng ngàn người đã vào chùa xì xụp khấn vái.
Nhưng thôi, người viết bài này xin không bàn sâu về chuyện đó, mà nhân chuyện này, xin bàn về một chuyện khác. Đó là sự mê muội của người đời.
Chuyện con “cá thần” ở Nghệ An (một con cá chép nặng 3,2 kg, do bị bệnh nên cứ nổi lên chìm xuống ở một đoạn mương suốt mấy ngày, rồi được mọi người phong thần, mang lễ vật ra xì xụp khấn vái. Chỉ đến khi UBND xã cho người mang chài ra chụp được con cá mang về om dưa, thì người ta mới bê lễ vật về. Chuyện "cá thần" chưa kịp lắng xuống thì ở một địa phương không xa là Quảng Bình, lại nổi lên chuyện “rắn thần”.
Số là trên cánh đồng thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn thuộc tỉnh Quảng Bình có một ngôi mộ vô danh. Loại mộ này có ở rất nhiều địa phương. Là mộ của những người ăn mày, hay lữ khách ở phương xa đi qua, bị chết do đói rét hay do bạo bệnh, người địa phương không ai biết người chết tên gì, quê quán nơi đâu... nên làm phúc “vùi nông một nấm, mặc dầu cỏ hoa”. Rồi cũng như ngôi mộ nàng Đạm Tiên trong truyện Kiều, đó “là mồ vô chủ, ai mà viếng thăm”. Chôn cất cho người xấu số xong, từ đó mỗi người dân đi qua lại nhặt một hòn đất hay hòn gạch hòn đá ném vào mộ, coi như là việc làm phúc. Lâu dần ngôi mộ trở thành một cái gò to, nhiều nơi người ta gọi cái gò đó là “gò ông Đống”.
Trên ngôi mộ vô danh ở cánh đồng thôn La Hà Tây đó bỗng xuất hiện một con rắn bằng đầu ngón chân cái người lớn và một con rắn con bằng ngón tay út người lớn. Xem trong ảnh, thì thấy đó có lẽ là rắn hoa cỏ, một loại rắn lành, có ở các cánh đồng lúa, sống bằng cá nhỏ, nhái... Mấy ngày liền, đôi rắn cứ tối thì chui vào hang, ban ngày lại chui ra nằm im trên hòn đá. Thế là người ta cứ ùn ùn vòng trong vòng ngoài kéo đến xem “rắn thần”, và mang hương hoa oản quả đến bày la liệt, rồi xì xụp khấn vái, khiến một vùng quê náo loạn.
Thật là mê muội. Thật là mù quáng. Bất cứ một cái gì hơi lạ một tý, là lập tức biến thành “thần”. Đã có thần cá, thần rắn, thì rồi đây rất có thể sẽ còn có thần chó, thần lợn, thần trâu thần bò thần vịt thần gà... Không chỉ các con vật, mà rất nhiều gốc cây to, hòn đá tảng... cũng được người đời biến thành “thần”.
Càng lạ hơn nữa là trong số những người xì xụp khấn vái những vị “thần” nhảm nhí trên, có cả những người bằng cấp đầy mình. Rồi tệ hại hơn nữa, một ông hay một bà nông dân chân đất mắt toét, viết tên mình không nổi, thậm chí có ông, có bà còn mù lòa, thong manh. Mới hôm qua còn cắm mặt xuống đất không đủ ăn, hôm sau bỗng biến thành “thần y”, thành “phật sống” thành “người giời” được “Ngọc Hoàng Thượng Đế” phái xuống trần để “cứu nhân độ thế”... Và thế là người các nơi ùn ùn kéo đến, ăn chực nằm chờ cả tuần cả tháng để được các vị thần sống, phật sống đó đạp vào người, đấm vào mặt hay cho uống tàn hương nước thải, để mong khỏi cả những căn bệnh nan y như ung thư...
“Đang thời tên lửa vượt châu/ Người lành đi hỏi từng câu người mù”. Vì sao như vậy?
Lòng tin nhảm nhí chỉ lên ngôi khi lòng tin vào những chuẩn mực, những “khuôn vàng thước ngọc” vẫn được dùng để điều chỉnh hành vi của mọi người trong xã hội bị sa sút. Đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Rất nhiều người hôm nay còn ở đỉnh cao quyền lực, luôn mồm kêu gọi mọi người sống có đạo đức, sống liêm khiết, sống trong sạch... hôm sau bỗng lộ nguyên hình là những kẻ vô đạo đức nhất, tham lam. Thần thánh bị đem ra buôn bán một cách trắng trợn, công khai. Rồi pháp luật bị bẻ cong, án oan đầy rẫy.
Những “bao công” nhìn bề ngoài tưởng “mặt sắt đen sì” nhưng bên trong thì kỳ kèo từng đồng tiền “chạy án”. Khi lòng tin không còn nơi bấu víu thì đương nhiên người ta phải đi tìm một chốn khác để đặt niềm tin. Và kết quả là niềm tin đó bị đặt nhầm chỗ. Hơn thế nữa, việc vật chất hóa mọi mối quan hệ, đo tất cả bằng vật chất... cũng khiến cho “một bộ phận không nhỏ” người đời trở thành mê muội, dẫn đến đâm đầu cầu xin sự giàu có từ sự “phù hộ” của một thế giới khác, chứ không lo cần cù, chăm chỉ làm ăn. Khi mà tình trạng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cỗ” đang trở thành phổ biến trong xã hội.
Bao giờ có một phép màu để có thể “trong giấc mơ, khua tỉnh chiêm bao”?
Tác giả: THANH VŨ
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam