Hiện ngư dân Trần Ngọc Đông chỉ cầm lái chiếc tàu vỏ Composite số hiệu KH-93645-TS, công suất 800CV |
Ngư dân Trần Ngọc Đông là người sinh ra ở vùng Xương Huân, nơi có con sông Cái - con sông lớn nhất Khánh Hòa - vắt qua trước khi đổ ra Vịnh Nha Trang. Năm 14 tuổi, cậu bé Đông đã lên tàu theo anh em, họ hàng đi biển - một nghề mưu sinh từ bao đời nay của người dân vùng này.
Năm 36 tuổi ý thức tự làm chủ trong người đàn ông này trỗi dậy sau hơn 20 năm làm công cho người khác. Vì thế, ngay sau khi cưới vợ, vào năm 2008, ông quyết định sắm tàu cá riêng đi biển. Chiếc tàu cá vỏ gỗ đầu tiên ông sở hữu mang số hiệu KH-97643-TS, có công suất 120CV. Đến nay, chiếc tàu này đã được ông cải hoán, nâng cấp lên 420CV để đáp ứng việc đánh bắt dài ngày.
Sau chiếc tàu cá đầu tiên, ông quyết định mở rộng sản xuất, sắm thêm nhiều tàu cá nữa với khát vọng làm giàu từ biển. Đến nay, ông có tất cả 9 tàu cá đánh bắt xa bờ ở vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1… Trong đó có 7 chiếc tàu vỏ gỗ và 2 chiếc tàu vỏ composite. Chiếc có công suất nhỏ nhất là 340CV, còn chiếc có công suất lớn nhất lên tới 800CV.
Những tàu cá vỏ gỗ của người đàn ông này chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương, trong khi 2 chiếc vỏ composite thì làm nghề mành chụp để đánh bắt mực xà, cá nục, cá ngừ, cá chuồn…
Một mình sở hữu đội tàu cá đánh bắt xa bờ “khủng” nhất ở Nha Trang, ông Đông phải thuê bạn thuyền để giúp mình quản lý, vận hành tàu cá đánh bắt trên biển. Hiện nay, ông chỉ cầm lái chiếc tàu vỏ Composite số hiệu KH-93645-TS, trong khi những tàu còn lại phải thuê thuyền trưởng.
Do đó, từ đội tàu cá này, ông đã tạo công ăn việc làm 55-60 lao động biển ở tỉnh Khánh Hòa. Mỗi tháng, các thuyền viên lao động trên tàu của ông được chia trung bình 5-6 triệu đồng/người; còn những người thuyền trưởng - với trách nhiệm lớn hơn - nhận khoảng 10-12 triệu đồng/người.
“Tôi đi biển làm công từ năm 14 tuổi và tôi nghĩ rằng, nếu làm thuê suốt đời như thế thì không cách gì nên nỗi. Điều này đã giúp tôi quyết định ra làm riêng sau khi cưới vợ ở tuổi 36”, ông Đông kể về động cơ sở hữu loạt tàu cá “có một không hai” ở duyên hải Nam Trung Bộ.
Hôm gặp chúng tôi vào một ngày cuối tháng 10, “lão” ngư hào hứng kể, tàu Composite lớn nhất mang số hiệu KH 93645-TS do ông cầm lái đã đi biển chuyến thứ 3 sau khi hạ thủy.
2 chuyến đầu, tàu trúng đậm mực xà, cá nục… bán được giá, thu về khoảng 350 triệu đồng trước chi phí. Tuy nhiên, chuyến thứ 3 vì gió to, thời tiết xấu nên chỉ đủ chi phí, đạt khoảng 250 triệu đồng. Tuy vậy, ông cũng không giấu được sự lo lắng khi đội tàu còn 5 chiếc chưa về.
Ngư dân Trần Ngọc Đông (47 tuổi), người sở hữu đội tàu cá nhiều nhất ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), có tới 9 chiếc đánh bắt ở Trường Sa, Nhà giàn DK1 |
Là một người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, ngư dân Trần Ngọc Đông là một trong số ít người ở duyên hải Nam Trung Bộ vận hành cùng lúc tàu vỏ gỗ và tàu bằng vật liệu mới Composite. Người đàn ông này cho rằng, việc sở hữu tàu vỏ Composite có nhiều ưu điểm hơn.
“Mỗi chiếc tàu vỏ gỗ mỗi năm sẽ tiêu tốn 50-60 triệu đồng tiền làm nước, vệ sinh vỏ tàu do bị sinh vật ký sinh. Những tàu vỏ Composite thì rất ít làm nước, giúp chủ tàu tiết kiệm chi phí. Tôi cũng thấy rằng, tàu Composite đi biển an toàn hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn”, ông Đông nói.
Theo ngư dân Trần Ngọc Đông, nghề biển hiện nay càng khó khăn, gian nan do nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu bị suy giảm, ngư trường bị thu hẹp. Do đó, bà con ngư dân mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ lâu dài về nhiên liệu và các chính sách ưu đãi cho tàu cá đã cải hoán.
Chia tay ngư dân Trần Ngọc Đông, chúng tôi xin chúc cho ông luôn “chân cứng đá mềm”, không ngừng vươn ra biển lớn để làm giàu, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc.
Tác giả: Viết Hảo
Nguồn tin: Báo Dân trí