1. Kỳ nghỉ lễ kéo dài 04 ngày vừa qua, nhiều người đã phải hỏi mình: Đi nghỉ hay đi… hành xác?
Đầu tiên là biển Vũng Tàu, điểm du lịch gần đối với khách khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, lượng người đến Vũng Tàu đã tăng mạnh từ ngày 29/4, các trạm thu phí trên Quốc lộ 51 số lượng phương tiện đi qua tăng đột biến, gây ách tắc cục bộ. Theo các thống kê, hai ngày đầu của kỳ nghỉ, Vũng Tàu đón gần 150.000 lượt khách. Còn riêng ngày 30/4 đã có hơn 137.000 lượt đến tắm biển… Cần nhớ, những thống kê trên không thể tính lượng khách vãng lai.
Tại Bình Thuận, ngành du lịch tỉnh này dự kiến đã đón hơn 57.200 lượt khách lưu trú, tăng 2,14% so với dịp lễ năm 2017. Lượng khách tới Nha Trang cũng đạt khoảng 135.000 lượt khách lưu trú, chỉ tăng nhẹ 2,53%. Tuy nhiên, khách quốc tế tăng đến gần 27%.
Những năm gần đây, Đà Nẵng luôn là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Phần nào nhờ Lễ hội pháo hoa quốc tế, khách nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp lễ 30/4 - 1/5 ước đạt gần 340.000 lượt, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2017.
Phía Nam và duyên hải miền Trung, lượng du khách tắm biển đã đông đúc, nhưng khu vực phía Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, chỉ có thể dùng từ "ngột ngạt".
Tại Hạ Long, trong 3 ngày lễ, đã có hơn 64.600 lượt khách tham quan vịnh, tăng đến 60% so với cùng kỳ. Riêng ngày 30/4, có đến 29.000 lượt khách tham quan. Trong khi đó, các khu du lịch tại Hải Phòng ước tính đón hơn 90.000 lượt khách trong 4 ngày lễ tới Đồ Sơn, Cát Bà… Tại bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, du khách tới đây khó có thể bơi thoải mái trên những bãi biển núc ních người. Biển Cửa Lò (Nghệ An) cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Các bãi biển công cộng người chật như nêm cối, thì ở khu vực biển phía trước các resort, du khách thoải mái hơn rất nhiều. Tuy vậy, sự thoải mái ấy cũng đang bị đe dọa.
Du khách quốc tế di chuyển khó khăn tại biển Hàm Tiến (TP. Phan Thiết). |
2. Những trăn trở về thực trạng du lịch biển Việt Nam: "Muốn tắm, ngắm, phải có tiền" đã được đưa ra rộng rãi, nhiều lần tại các diễn đàn, trên báo chí nhưng không thể ngăn các chủ đầu tư rào chắn, triệt đường ra biển của người dân. Nghiêm trọng hơn, việc để các doanh nghiệp "tùy ý" xây dựng, lắp đặt vật, kiến trúc trên bờ biển đang gây những hậu họa lớn.
Từ tháng 3/2018, tình trạng bãi biển bị xâm thực tại khu vực bãi biển Hàm Tiến (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) trở nên nghiêm trọng, khi có ít nhất khoảng 10 resort liền kế bị mất hẳn bãi biển, có nơi biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 10m. Đáng chú ý, có 2 khu nhà hàng tại các resort Suối Tiên, Rạch Dừa đã bị sóng cuốn trôi; chiều dài bờ biển bị sạt lở kéo dài trên 1.000m… Từ trước Tết Nguyên đán 2018, một số cơ sở du lịch tự lắp kè mềm bằng vải để hạn chế sạt lở. Nhưng do mỗi nơi tự ý làm theo một kiểu, nên khi triều cường, lực sóng cộng hưởng công phá các bãi biển chưa có kè nằm liền kề. Thêm nữa, các công trình kè tự phát vừa nhếch nhác, vừa là những cái bẫy chết người đối với du khách đi lại, tắm biển.
Theo người dân ở khu vực biển Hàm Tiến, việc sạt lở càng nghiêm trọng khi một resort tự ý làm kè mềm, lấn ra biển tới 150m. Doanh nghiệp làm kè bằng việc hút cát từ bãi biển, khiến sóng càng phá mạnh khi vào bờ, gây sạt lở bãi biển chưa có kè chắn sóng. Người dân đang yêu cầu phải phá bỏ toàn bộ kè mềm, xả cát để không làm bãi biển "hổng chân", cho tới khi các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp khoa học, đảm bảo an toàn, mỹ quan…
Không chỉ Phan Thiết, nhiều bãi biển miền Trung trước đó đã bị tàn phá, gần nhất là cuối 2017, khi 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh là biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Cùng thời điểm, tại TP. Hội An (Quảng Nam), biển Cửa Đại cũng bị sạt lở trên đoạn bờ biển dài khoảng 1,5km. Biển Nhật Lệ (Quảng Bình) cũng bị sóng biển ăn sâu, đánh sập hàng trăm mét bờ kè tại các nhà hàng dọc bãi biển,…
Và cũng như tại Bình Thuận, các cơ quan quản lý tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình… mãi loay hoay tìm giải pháp; doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề; du khách tới rồi lặng lẽ bỏ đi.
3. Tình trạng xói lở, bãi biển bị xâm thực đang diễn ra thường xuyên, khó lường…, ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, còn là việc các địa phương mở cửa cho sự ra đời ồ ạt của các dự án resort, khu du lịch, nhà cao tầng sát biển, khiến quy hoạch du lịch biển bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, an ninh, an toàn của các điểm đến du lịch biển.
Theo nghiên cứu của Phạm Hồng Long - Phạm Thị Anh, Khoa Du lịch học (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong số những thành phố du lịch biển nổi tiếng Việt Nam có số lượng resort – khu nghỉ dưỡng phát triển bậc nhất phải kể đến Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc, Sầm Sơn… Riêng tại Đà Nẵng, tính đến giữa 2016 có trên 535 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với khoảng 20.166 phòng. Ở Nha Trang, 9 tháng đầu năm 2016 có khoảng 30 dự án với 7.000 sản phẩm bất động sản được giới thiệu, trong đó có đến 70% là căn hộ nghỉ dưỡng. Ngoài ra, các khu vực Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An, Phú Quốc… cũng đang hội tụ hàng ngàn resort nghỉ dưỡng từ trung tới cao cấp, chưa kể những dự án đang thực hiện.
Xu hướng trên đã được cảnh báo về sự "thiếu bền vững". Trước tiên là quy hoạch nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Các bãi biển từ Mũi Né tới Đà Nẵng, Phú Quốc đều đang kẹt cứng không gian ven bờ, khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển; các khu nghỉ dưỡng mọc lên ồ ạt báo hiệu tình trạng cung vượt xa cầu. Và thực thế, các resort trung và cao cấp chỉ dành cho người thu nhập cao. Đại bộ phận người dân bị dồn vào các bãi tắm ngày càng chật ních bởi thực trạng không gian công cộng bị lấn chiếm, phân lô xây nhà cao tầng phục vụ kinh doanh bất động sản, xu hướng "tư nhân hóa bãi biển"…
Sự bùng nổ những khu nghỉ dưỡng ven biển đang gia tăng các áp lực lên môi trường, tăng nguy cơ xói mòn bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo, nhưng các địa phương, các cơ quan quản lý du lịch, quy hoạch vẫn chưa nhúc nhích, thì kỳ vọng nào cho tương lai du lịch biển Việt Nam!?
Tác giả: Kiên Giang
Nguồn tin: Nhà báo và Công luận