Kinh tế

Nghi vấn chuyển giá đến 20 năm, nhưng không thể chứng minh được

Không có cơ sở dữ liệu, năng lực cơ quan thuế hạn chế là những nguyên nhân khiến cho nhiều nghi vấn chuyển giá đến 20 năm vẫn không thể chứng minh được.

Trong hàng chục năm qua, vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã gây khó cho cơ quan quản lý, thì đến nay tình trạng này lại xuất hiện cả ở doanh nghiệp trong nước.

Tình trạng chuyển giá báo lỗ giả đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam, không chỉ đối với doanh nghiệp FDI mà cả ở doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: KT).

TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính chia sẻ trên Báo Tin Tức, có những trường hợp nghi vấn chuyển giá 20 năm nay nhưng không chứng minh được vì hoàn toàn không có cơ sở dữ liệu.

Giới chuyên gia nhận định, hoạt động chuyển giá ngày càng phức tạp. Trong khi đó, rất khó chứng minh hành vi chuyển giá do hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu cơ sở dữ liệu, năng lực của cơ quan thuế còn hạn chế.

Trên Thời báo Kinh doanh, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, những nước phát triển như Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức chuyển giá hơn các nước phát triển là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nên không tạo được một cơ chế vừa khuyến khích tuân thủ thuế, vừa tạo sự chặt chẽ trong quy trình pháp lý để đấu tranh với hoạt động chuyển giá.

Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), chuyển giá không những gây thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.

Ông Phớc cho biết, cách đây khoảng chục năm ở Việt Nam, chuyển giá vẫn là khái niệm mới lạ thì hiện chuyển giá đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước.

Tổng KTNN cũng cho hay, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển, trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.

Hàng trăm công ty ngang nhiên chuyển giá, từ năm này qua năm khác. (Ảnh: KT).

Theo báo Đầu tư, thực tế, hàng chục, thậm chí hàng trăm công ty ngang nhiên chuyển giá, từ năm này qua năm khác, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Lúc này, nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu? Nhất là khi chúng ta đã phát hiện ra nhiều vụ chuyển giá ở quy mô lớn như Metro liên tiếp kê khai lỗ trong gần 10 năm nhưng vẫn không ngừng mở rộng kinh doanh, Công ty Hualon Corporation Việt Nam liên tục báo lỗ trong suốt 20 năm.

Một số doanh nghiệp khác cũng dính nghi vấn chuyển giá như Cocacola, Big C... khi liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm và chưa phải đóng 1 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào.

Giới chuyên gia cho rằng, cần nhìn nhận lại vấn đề quản lý thuế tại Việt Nam. Tại sao, cùng là công ty, doanh nghiệp đó kinh doanh tại các quốc gia trong khu như Thái Lan, Indonesia... đầu vào như nhau, giá bán rẻ hơn nhưng không báo lỗ, trong khi ở Việt Nam, giá bán đắt hơn lại báo lỗ liên tục?

Để kiểm soát tình trạng lỗ giả, lãi thật, cần hoàn thiện khung pháp lý, thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các ngành, giữa các địa phương. Đặc biệt, cơ quan thuế cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để có một hệ thống thông tin liên kết, tăng hiệu quả hoạt động phân tích rủi ro, xử lý vi phạm về chuyển giá, nhiều chuyên gia đề xuất./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP