Trong nước

Nghỉ Tết 7 hay 10 ngày: Băn khoăn nên 'co' hay 'giãn'?

Theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, phương án nghỉ Tết âm lịch 7 hay 10 ngày đều có ưu điểm và hạn chế riêng, việc lựa chọn phương án nào phải rất cân nhắc.

Hai phương án nghỉ Tết âm lịch 2017 với số ngày nghỉ 7 ngày hay 10 ngày mà Bộ LĐTB&XH mới trình lên Chính phủ xem xét hiện đang là một trong những đề tài được dư luận rất quan tâm. Trong khi cơ quan quản lý nghiêng về con số 7 ngày thì người lao động lại hi vọng số ngày nghỉ sẽ là 10 để có thời gian nhiều hơn cho sum họp và đoàn tụ...


Nhiều người lao động hi vọng nghỉ Tết âm lịch năm nay sẽ kéo dài 10 ngày để có thời gian sum họp bên gia đình.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐB Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn khi đứng giữa hai phương án mà theo ông, phương án nào cũng có những ưu và hạn chế nhất định.

“Thứ nhất, nếu nghỉ 7 ngày, chúng ta sẽ không phải thực hiện lịch hoán đổi ngày nghỉ. Với khoảng thời gian nghỉ Tết như vậy, theo tôi cũng đủ để người dân có thể thực hiện được các nhu cầu của mình trong ngày Tết cổ truyền một cách cơ bản.

Còn phương án 10 ngày, người dân có thời gian nhiều hơn cho nghỉ lễ. Có thể thực hiện các hoạt động thăm hỏi, đoàn tụ, sum họp gia đình nhiều hơn. Đây cũng là một trong những nét đặc trưng văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, ở một góc độ nhất định, thời gian nghỉ tết kéo dài cũng là dịp để kích cầu nền kinh tế khi mà người dân mua sắm nhiều hơn.

Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là sau kỳ nghỉ, chúng ta sẽ phải thực hiện chuyện hoán đổi. Không những thế, sau một kỳ nghỉ quá dài cũng sẽ ảnh hưởng tới nề nếp sinh hoạt, làm việc, học tập của một bộ phận người dân, sẽ khó bắt nhịp lại nhanh chóng như trước kia. Đây có lẽ là điều mà các doanh nghiệp cũng khá lo ngại”, ông Thắng phân tích.

Cũng theo ĐBQH Phạm Tất Thắng, không phải 10 hay 7 ngày mà tâm lý Tết đã ảnh hưởng tới không khí chung xã hội từ trước Tết một thời gian khá dài. Đây cũng là một trong những yếu tố để Chính phủ và các đơn vị có liên quan cân nhắc khi đưa ra quyết định sau cùng về việc lựa chọn phương án nào hợp lý hơn.


ĐBQH Phạm Tất Thắng

Cũng xoay quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách lại bày tỏ ngạc nhiên: “Nghỉ tết 10 ngày, sao nhiều thế”. Ông Thành phân tích, với phương án của Bộ LĐTB&XH, chủ yếu quy định cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Với các đối tượng này, việc nghỉ Tết quá dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động chung, sự vận hành của cả bộ máy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành bày tỏ với phương án nghỉ Tết 7 ngày. Theo ông, như thế sẽ hài hòa quyền lợi giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Việc “co” hay “giãn” thời gian nghỉ Tết, cũng phải soi chiếu theo mức quy định chung là 7 ngày. Nếu “co” sẽ phải có sự đồng ý của người lao động, còn “giãn” thì theo thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động.

Theo khảo sát từ phía báo chí, sau khi có đề xuất hai phương án nghỉ Tết kể trên, phần lớn người lao động đều ủng hộ với phương án nghỉ dài (10 ngày), với những lý do được xem là khá hợp lý như: Người lao động ở Việt Nam hiện nay tập trung ở nhiều đô thị lớn, xa quê nên thời gian đi lại giữa nơi ở và nơi làm việc rất mất thời gian. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn nghỉ dài hơn để có thời gian đoàn tụ với gia đình, người thân.

Một số chuyên gia giao thông cũng bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng, việc kéo dài thời gian nghỉ lễ sẽ giảm được áp lực về lưu lượng người đến và đi giữa các thành phố, ngành giao thông vận tải cũng từ đó bớt đi được những “muộn phiền” mang tên dòng người đi và về trong mỗi dịp lễ.

Tuy nhiên, có ý kiến tỏ ý lo ngại khi thời gian nghỉ lễ quá dài sẽ ảnh hưởng không ít tới công việc khi đi làm trở lại, sợ nghỉ nhiều sẽ không đáp ứng được yêu cầu của các chủ doanh nghiệp….

Việt Nam không nằm trong top những quốc gia có số ngày nghỉ lễ nhiều trong năm.

Khi được đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có nằm trong số những quốc gia có số ngày nghỉ lễ nhiều trong năm, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ LĐTB&XH khẳng định: “Theo tôi biết thì là không, thậm chí, khi đối chiếu với một số quốc gia khác trong khu vực, số ngày nghỉ lễ của người lao động tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước”.

Tác giả bài viết: Đỗ Huệ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP