ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương |
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 về về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, với tư cách là một ĐBQH ông đánh giá như thế nào về công tác cán bộ nói chung và nội dung của Nghị quyết (NQ) nói riêng?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình):
Theo tôi NQ Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bước đột phá quan trọng. Đặt ra yêu cầu sắp tới phải có cải cách và thay đổi đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đối với nền hành chính quốc gia.
Điều này khắc phục được tình trạng chọn đúng người tài. Đặc biệt với giải pháp Bí thư tỉnh, huyện không là người địa phương nhằm khắc phục yếu kém của công tác cán bộ trong thời gian qua.
Mặc dù theo quan điểm của ông thì rõ ràng quy định này có nhiều ưu điểm, tuy nhiên trên thực tế vẫn có ý kiến cho rằng, nếu đưa người nơi khác về không khéo dễ bị cô lập, điều này có đúng không?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Tình trạng này có thể xảy ra, nhưng tôi nghĩ khó trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua có rất nhiều cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương, về các tỉnh và phần lớn họ trưởng thành, chưa có một cán bộ nào luân chuyển về địa phương mà bị cô lập hết.
Vấn đề ở chỗ là con người ấy có phải là con người tài năng không? Phát huy được năng lực, phẩm chất và trí tuệ hay không? Còn nếu như con người đấy về mà không có bản lĩnh, xuôi chiều theo một xu hướng nào đó, theo một nhóm nào đó anh sẽ bị cô lập. Đó là điều tất yếu xảy ra.
Theo tôi không nên đưa người ở những địa phương quá xa nhau. Ví dụ người Miền Trung thì bố trí về Miền Trung hoặc là người Miền Bắc thì nên đi các tỉnh ở Miền Bắc… Họ sẽ hiểu đặc điểm, văn hóa tính cách, con người thì thuận lợi hơn. Chứ không nên đem người Miền Nam ra Miền Bắc, hoặc Miền Trung vào Miền Nam.
Việc đặt ra quy định không phải là người địa phương một phần xuất phát từ tình trạng "cả họ làm quan" hay nể nang xử lý trong công việc mà đáng ra ở vị trí đó, người đứng đầu phải quyết thật nhanh và thật mạnh?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Đúng là như vậy, do thực tế hiện nay có những biểu hiện người địa phương mà làm Bí thư, Chủ tịch ở địa phương ấy bao giờ cũng có biểu hiện phe phái cục bộ.
Nhiều người cho rằng ở địa phương sự lộng quyền, lạm quyền ở mức độ cao. Ngay như trong báo cáo năm 2017 về phòng chống tham nhũng cũng đánh giá có hiện tượng bỏ lọt tham nhũng ở địa phương. Phải chăng đây là một trong những giải pháp sẽ tiến tới khắc phục hạn chế này?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Vừa rồi, Trung ương Đảng có tổ chức hội thảo về kiểm soát quyền lực chống chạy chức chạy quyền. Đây là việc làm được nhân dân đồng tình rất cao, đây cũng chính là bước đột phá đối với BTC Trung ương đối với vấn đề thiết lập, hình thành đội ngũ cán bộ trong thời gian tới để hạn chế vấn đề chạy chức chạy quyền và từ đó hạn chế bổ nhiệm cán bộ không đúng và hạn chế được vấn đề cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài.
Và đồng thời đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng thể chế, một khung sắt để xây dựng thể chế trong quá trình bổ nhiệm cán bộ phải bổ nhiệm đúng thực chất.
Điểm này cũng khắc phục hạn chế hiện nay có nhiều người đứng đầu bổ nhiệm đúng người tài nhưng lại là người nhà mình. Điều này khiến cho đối tượng xấu lợi dụng kích động người dân nói xấu người đứng đầu đó. Dẫn đến tình trạng người nhà hoặc con mình nhưng đúng tiêu chuẩn, đủ tư cách cũng không dám bổ nhiệm. Vậy là không chọn được người tài.
Không lửa thì cũng không có khói, mà ngay trong bản tổng hợp ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội cũng nhắc đến vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ tràn lan…
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Vấn đề bổ nhiệm người tài phe phái BTC Trung ương đặc biệt HN TƯ 4, 6, 7 đã nêu ra rất nhều vấn đề để khắc phục tình trạng này và BTC TƯ, Bộ Chính trị cũng đã có nhiều giải pháp để khắc phục.
Hiện nay tiếp xúc cử tri người dân rất đồng tình ủng hộ và đặt niềm tin cao với Đảng, Chính phủ trong thời gian sắp tới. Ở trong này có mấy điểm cử tri rất quan tâm đó là vấn đề sắp xếp như thế nào, bố trí như thế nào để hạn chế …
Chính phủ, Bộ Chính trị cần xây dựng thể chế trong vấn đề bổ nhiệm đề bạt … tổ chức thi cử các chức danh. Như thế sẽ chọn được người tài, những trường hợp con em của các lãnh đạo, người đứng đầu thực sự có tài, có đầy đủ bằng cấp thì có thể tham gia thi tuyển mà không ai có thể đưa vấn đề này ra cho là tiêu cực.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: N. Huyền
Nguồn tin: Báo Infonet