Thảo trong giờ học cùng các bạn. Ảnh: Phúc Hưng. |
Ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) khi nhắc đến bé Trần Hiếu Thảo (8 tuổi) mọi người đều dành cho cháu tình thương và lòng khâm phục. Bởi với nghị lực của mình, Thảo đã vượt lên số phận không may mắn của bản thân.
Bà Lý Thị Cho (63 tuổi, bà ngoại Thảo) cho biết, hơn 10 năm trước, con gái bà lập gia đình với thanh niên quê Nha Trang. Khi Thảo được 10 tháng tuổi thì cha mất trong vụ tai nạn giao thông. "Kể từ đó, nó ở với vợ chồng tôi vì mẹ phải lên Bình Dương làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi con", bà Cho nói.
Nhớ lại ngày con gái mang thai, bà Cho nói rằng gia đình ai cũng vui mừng. Những tháng đầu đi siêu âm, bác sĩ cho biết thai nhi phát triển bình thường. "Gia đình nghèo nên nó không đi khám thai lại, chỉ lo làm thuê kiếm tiền sinh con, không ai ngờ khi sinh ra bé lại bị khuyết tứ chi", bà Cho nghẹn ngào.
Cô bé nắn nót từng nét chữ. Ảnh: Phúc Hưng. |
Năm lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa được cha mẹ đưa đến trường, Thảo cũng xin ông bà ngoại cho mình đi học. Không thể khước từ đứa cháu đáng thương, bà Cho ngoài giờ làm thuê cũng tranh thủ đưa cháu đến lớp.
"Mấy tháng đầu vào lớp, tôi phải ngồi sau lưng, giúp nó tập trụ vững để không bị ngã ra sau", bà Cho nói và cho biết, với ý chí của mình Thảo bắt đầu tập làm quen với mọi chuyện.
Thầy Lê Hoàng Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Thạnh 2B cho biết, khi nhận Thảo vào trường, thầy cô rất lo vì không biết có cách nào giúp bé học tốt, nhưng cũng không nỡ từ chối sự quyết tâm tìm con chữ của cháu.
"Nhiều năm qua, thầy cô và các học sinh của trường đều khâm phục cháu vì tính ham học, em là học sinh có nghị lực phi thường", ông Vinh nhận xét.
Để giảm gánh nặng cho ông bà, Thảo tự lập từ nhỏ. Khi viết chữ, em nghiêng đầu qua một bên, cây bút để sát vào gần cổ, đưa "cánh tay" giữ bút nắn nót viết từng nét chữ. Ngoài việc tự học, Thảo còn biết phụ giúp bà làm một số việc nhỏ trong nhà; hay tự làm vệ sinh cá nhân.
Thảo giúp bà quét nhà ngoài giờ học. Ảnh: Phúc Hưng. |
"Ban đầu tập viết chữ con rất mỏi cổ nhưng giờ thì quen rồi, con rất vui vì có thể viết hay vẽ tranh nhanh nhẹn như các bạn khác", cô bé lí nhí nói.
Cô Lý Thị Thanh Thúy - hàng xóm cùng là người tình nguyện dạy em học cho biết, hiện tại Thảo đã bước vào lớp 3 với thành tích qua các năm học đều có học lực khá trở lên.
"Lúc mới tập, em viết chữ rất to, nhưng giờ đã viết được chữ nhỏ như các em khác với nét chữ rõ ràng, tròn trịa", cô Thúy nói và khẳng định, cô học trò của mình tuy khuyết tật về cơ thể nhưng nghị lực thì ít ai sánh bằng.
Nghị lực phi thường của cô bé "chim cánh cụt", với ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho ông bà ngoại và cứu chữa người nghèo là động lực giúp vợ chồng bà Cho quyết tâm cho cháu đeo bám con chữ.
Tác giả: Hoàng Hạnh
Nguồn tin: Báo VnExpress