Cuộc sống

Ngày cưới, mẹ vợ làm cả nhà trai tá hỏa

Hàng xóm xung quanh giờ lôi chuyện mẹ vợ tôi ra để nói cười mỗi khi rảnh rỗi. Biết chẳng bịt miệng được mọi người nên tôi phớt lờ, nhưng mẹ vợ tôi thì xấu hổ lắm, chẳng dám ra đường.

Tôi là trai thành phố. Ngoại hình ưa nhìn, khả năng giao tiếp tốt và đang làm trong một công ty nước ngoài. Mải theo đuổi sự nghiệp nên gần 32 tuổi, tôi mới có người yêu.

Tôi luôn quan niệm yêu là cưới nên rất cưng chiều, chăm sóc người yêu mình. Em nhỏ hơn tôi 10 tuổi. Tuy chỉ là thợ trang điểm cô dâu, không học hết lớp 12 nhưng em rất biết cách sống. Tính tình em hiền lành, ăn nói lễ phép nên rất được lòng bố mẹ tôi. Ông bà không vì xuất thân khác nhau mà phân biệt đối xử.

Trong thời gian yêu nhau, tôi về nhà em chơi vài lần. Gia đình em tuy nghèo, nhưng ai cũng quý mến. Đặc biệt là mẹ em. Bà giản dị, dễ tính, nói chuyện hài hước nên tôi rất thích.

Yêu được gần 1 năm thì chúng tôi tổ chức cưới hỏi. Những ngày làm lễ dạm, đính hôn, mẹ vợ tôi vẫn bình thường, giản dị, chỉ trang điểm nhạt và mặc áo dài truyền thống. Nhưng đến đám cưới thì cả nhà trai tá hỏa.

Hôm đó, khi tôi và nhà trai đến, đã thấy bố mẹ vợ và cô dâu ra đón ở cổng. Nhìn mọi người bình thường, chỉ trừ mẹ vợ. Bà mặc chiếc áo dài cách tân, tà ngắn tới đầu gối. Đã thế, ren còn mỏng, nhìn vào lồ lộ áo trong. Mặt mày thì trang điểm đậm, mắt chuốt mascara nhem nhuốc xuống mi dưới. Môi thì đỏ loe loét nhìn chẳng ra làm sao.
mẹ vợ

Gia đình em tuy nghèo, nhưng ai cũng quý mến. (Ảnh minh họa)


Mọi người đi vào rồi, tôi mới kéo vợ lại, hỏi nhỏ: “Sao em để mẹ mặc áo dài, trang điểm kì lạ vậy?” Vợ tôi cũng lắc đầu. Đi thuê đồ, ai nói gì thì nói, bà cứ chọn đúng bộ đó. Người ta trang điểm nhạt, bà không chịu vì sợ không nổi bằng mẹ chú rể. Vợ tôi cũng không thể nói được.

Trưa, trước khi ra về, tôi dặn vợ nhắc mẹ mặc đồ kín đáo chút để chiều đãi tiệc. Thế mà, chiều đến, giữa đông quan khách hai họ, tôi thêm một phen hoảng hồn.

Bà diện một cái váy ren đỏ dài. Mang đôi giày 10 cm và vẫn trang điểm đậm hơn cả cô dâu. Lúc đi lên mời rượu thì xảy ra chuyện. Vì váy dài quá, lại chưa quen đi giày cao gót nên bà ngã lăn ra trên bậc thang lên sân khấu. Bố vợ tôi đi sau, vì đỡ bà nên cũng ngã ra sau.

Mọi người hết hồn. Tôi cùng phù rể vội chạy lại, đỡ hai người đứng lên. Bố vợ tôi xấu hổ, mắng luôn: “Đã dặn mặc váy ngắn thôi, mang giày vừa thôi. Làm đẹp cho cố vào để giờ xấu hổ chưa?” Mẹ vợ tôi mắt đỏ hoe, nói nhỏ chỉ muốn ngang hàng với sui gia thành phố, chứ sợ con gái mất mặt, tủi thân. Cả nhà dở khóc dở cười trước lý do của mẹ vợ.

Đến đám cưới thì cả nhà tôi tá hỏa. (Ảnh minh họa)


Mẹ tôi thấy thế cũng chạy đến, dìu bà lên sân khấu. Khi làm lễ, mẹ tôi và mẹ vợ đứng chung với nhau chứ không đứng theo cặp vợ chồng nữa. Một lát sau, khi mời rượu từng bàn, tôi đã thấy mẹ vợ thay cái váy khác, ngắn hơn váy cũ nhưng đẹp. Trang điểm cũng nhẹ nhàng, quý phái hơn.

Khi đứng gần, mẹ vợ mới thì thầm nhờ tôi chuyển lời cảm ơn đến mẹ tôi. Hóa ra, mẹ tôi đã gọi người đem váy, giày tới cho bà thay. Rồi tự tay mẹ tôi trang điểm lại cho bà. Mẹ vợ còn nói mẹ làm tất cả chỉ để con gái được nở mày nở mặt trước nhà chồng giàu có. Ai ngờ xảy ra chuyện. Mẹ vợ cũng không nghĩ mẹ tôi lại chu đáo, dễ gần đến vậy.

Tôi biết, mẹ vợ vì thương com gái quá nên mới làm như vậy. Tôi cũng chẳng giận gì bà, còn thấy thương bà hơn. Nhưng hàng xóm xung quanh thì giờ lôi chuyện mẹ vợ tôi ra để nói cười mỗi khi rảnh rỗi. Biết chẳng bịt miệng được mọi người nên tôi phớt lờ, nhưng mẹ vợ tôi thì xấu hổ lắm, chẳng dám ra đường. Lần này tôi mời bố mẹ vợ lên chơi vài hôm nhưng mẹ vợ tôi sợ họ hàng nhà trai vẫn nhớ chuyện bà ngã ở sân khấu, ngại chẳng dám đến. Làm thế nào để bà hết ngại bây giờ? Chẳng lẽ sau này bà không sang nhà thông gia sao?

Tác giả bài viết: Q.B

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP