Báo cáo của TS. Tuyến được trình bày tại hội thảo “Ước tính tỷ suất sinh lợi và chi phí đơn vị trong giáo dục đại học Việt Nam” diễn ra ngày 20/8 do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức.
Phân tích của nhóm TS. Tuyến dựa trên quy luật thống kê số lớn, với dữ liệu dựa trên khảo sát điều tra lao động việc làm trên cả nước quý 1/2018 do Tổng cục Thống kê cung cấp.
Sinh viên ngành an ninh trong một buổi biểu diễn. Ảnh: Thanh Hùng |
Ở nghiên cứu sơ bộ này, nhóm muốn phân tích sâu hơn để xem cùng học đại học, bằng cấp các ngành khác nhau thì thu nhập khác nhau như thế nào.
Một bước nữa của nghiên cứu là so sánh mức thu nhập giữa người học đại học với người không học đại học, và giữa những người học đại học với nhau.
“Nghiên cứu của chúng tôi bước đầu có thể đưa ra một số kết luận. Thứ nhất là mỗi năm đi học, thu nhập theo giờ của người lao động tăng lên từ 6-7%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 10%) và thấp hơn nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (khoảng 8,9%) vào thời điểm cách đây 7-8 năm” – TS. Tuyến chia sẻ.
“Ngoài ra, học các bậc học cao hơn cũng mang lại thu nhập cao hơn. So sánh nội bộ các ngành thì ngành An ninh quân đội có mức thu nhập cao nhất. Thu nhập thấp nhất là ngành Nông nghiệp. Ngành Sư phạm cũng nằm trong nhóm có thu nhập thấp”.
TS. Tuyến cho biết, các phân tích phải so sánh cùng phân vị. Ví dụ, khi so sánh thu nhập của người học đại học và người không học đại học thì phải nhóm 10% giàu nhất của người học đại học với nhóm 10% giàu nhất của người không học đại học, chứ không phải so sánh nhóm nghèo nhất của học đại học với nhóm giàu nhất của không học đại học thì kết quả sẽ không thuyết phục.
“Khi chia ra các nhóm mức lương khác nhau ở cùng một đối tượng, mà ở nhóm mức lương nào của bên học đại học cũng cao hơn thì chứng tỏ thu nhập của bên học đại học cao hơn” – ông Tuyến lý giải.
“Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mức lương thì ngành Sư phạm thuộc nhóm thấp, nhưng khi kiểm soát thêm những đặc điểm khác của người lao động như giới tính, tuổi nghề, vùng miền, mức sống… thì thu nhập của người học Sư phạm không thấp như chúng ta nghĩ” – TS. Tuyến khẳng định.
Một điều mà nhóm nghiên cứu lưu ý là phân tích không tính những thu nhập ngoài công việc ở cơ quan. Ví dụ như ở ngành Y, phân tích không tính đến thu nhập ngoài bệnh viện, hay ngành Sư phạm cũng không thể tính được thu nhập từ dạy thêm.
Khu vực giới thiệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong sự kiện Ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Theo ông Tuyến, chính vì những ngành như Y, Sư phạm công việc vất vả mà lương không cao nên người lao động phải tính đến chuyện làm thêm bên ngoài. Thu nhập thực của họ có thể cao hơn thống kê.
Ông cũng băn khoăn về thu nhập của ngành Nông nghiệp – thấp nhất thống kê, trong khi nước ta có dân số làm nông nghiệp cao. Việc thu nhập thấp của ngành này sẽ khó để khuyến khích người học chọn ngành, từ đó khó khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tác giả: Nguyễn Thảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet