Trong nước

"Ngân sách đội nón ra đi, một phần vào túi cán bộ hải quan"

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối khiến ngân sách nhà nước một phần "đội nón ra đi", một phần "chảy" vào túi cán bộ hải quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến chất vấn Bộ trưởng về vấn đề tham nhũng trong ngành hải quan, về tình trạng buôn lậu.

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay (16/11), đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập tới công tác quản lý hải quan.

Theo ông, thời gian qua tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ngân sách nhà nước một phần đội nón ra đi trong khi một phần chảy vào túi cán bộ, trong đó gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

"Trách nhiệm này thuộc công chức hải quan nhưng Bộ trưởng nói thời gian thông quan hải quan chỉ là 28% còn 72% là các bộ ngành khác. Thực tế cho thấy các vụ án ở cảng Sài Gòn có 213 containers biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Trong vụ Trần Thị Bích Tuyền tuần qua bắt 2 cán bộ hải quan thuộc chi cục 4 tiếp tay cho buôn lậu", ông nói.

Ông Chiến đặt câu hỏi: "Trách nhiệm chính ở cán bộ hải quan tới đâu khi để xảy ra vấn nạn này. Nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức cán bộ ngành hải quan. Xin Bộ trưởng cho Quốc hội và cử tri cả nước biết một lời khẳng định chấm dứt tình trạng trên, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính?", ông Chiến đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, những vụ việc tham nhũng của ngành hải quan nêu trên đều là phát hiện từ chính Bộ Tài chính.

"Chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Có vụ việc ở hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ hải quan, cũng là Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với lực lượng công an. Việc hơn 200 container cũng vậy", ông nói.

Thừa nhận "làm đến doanh nghiệp thì đụng đến cán bộ hải quan" nhưng Bộ trưởng khẳng định, phải chấp nhận và xử lý và "tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực, trong ngành và ngoài ngành".

"Hàng năm xử lý kỷ luật cán bộ thuế, hải quan trên dưới 300 cán bộ. Nguyên nhân không đổ cho khách quan mà nhìn trực diện, suy thoái trong nội bộ. Bộ quyết tâm để rà soát, xử lý. Đồng thời cũng phải rà soát lại các chính sách, quy trình, và quyết tâm thực hiện", tư lệnh ngành tài chính nói", Bộ trưởng nói.

Trước đó, cũng trả lời câu hỏi của đại biểu về tình hình buôn lâu, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định, Ban chỉ đạo chống buôn lậu quốc gia (Ban chỉ đạo 389) không làm thay các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ vẫn phải triển khai theo trách nhiệm được giao, địa phương phải chịu trách nhiệm trên địa bàn, Ban chỉ đạo chỉ đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra.

Theo ông Dũng, kết quả về vấn đề này trong thời gian qua là "khá tốt". Năm 2016 đến tháng 10/2017 đã xử lý 411.642 vụ vi phạm, thu ngân sách 39.604 tỷ đồng, trong đó năm 2016 thu ngân sách 21.713 tỷ đồng. Các lực lượng đều vào cuộc đồng bộ: công an, bộ đội biên phòng, thuế, quản lý thị trường...

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, tình hình diễn biến buôn lậu thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp. Các lực lượng vào cuộc tương đối đồng bộ nhưng tình hình diễn biến ở khu vực đường biên giới rất dài, đường biển đã tăng cường kiểm soát lực lượng hải quân, kiểm soát biển... nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, dù đã có chính sách triển khai nhưng vẫn còn chồng chéo nhưng chưa đủ hiệu lực triển khai.

Ông cho biết, giải pháp Ban chỉ đạo 389 đưa ra là sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ; tăng công tác điều tra cơ bản; xây dựng thanh tra kiểm tra chuyên đề; tiếp tục tuyên truyền về công tác chống buôn lậu hàng giả, người dân, người tiêu dùng...

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP