Màn hình máy tính tại một ngân hàng hiển thị tài khoản của người hành nghề mại dâm, tên đã được thay đổi. (Ảnh: AFP) |
Hành nghề mại dâm ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal (Ẩn Độ), Rita Roy, 36 tuổi, từng không có cách nào để giữ tiền. Bà chủ nhà thổ giữ toàn bộ thu nhập của các nhân viên như Rita ở một nơi "an toàn" và chỉ giao cho họ một tờ giấy ghi chép. Khi Roy cần tiền, cô không bao giờ có thể lấy được đủ số tiền cô cần rút.
Bảy năm trước, để chữa bệnh tim cho bố mình, Roy đã buộc phải đi vay nặng lãi số tiền 30 USD. Chỉ một năm sau, cả gốc lẫn lãi vọt lên hơn 200 USD. Cô kể: "Khi tôi không trả được nợ, hai người của chủ nợ đứng chực sẵn bên ngoài nhà thổ để quấy rối tôi mỗi khi tôi ra ngoài”. Nhưng giờ đây, Roy đã có tài khoản ngân hàng tại ngân hàng Usha, trực thuộc Usha Multipurpose Cooperative Society, doanh nghiệp được điều hành bởi những người hành nghề mại dâm.
Khởi nghiệp năm 1995 với 465 USD, khoản tiền tiết kiệm của 13 nữ cổ đông, ngày nay ngân hàng đạt doanh thu 4,7 triệu USD mỗi năm và có 31.000 khách hàng từ các nhà thổ khắp bang Tây Bengal.
Phụ nữ làm nghề này luôn luôn bị bòn rút - từ tú bà, ma cô, "bạn trai" và thậm chí là cả người thân của họ. Do đó, ngân hàng Usha trở thành nơi an toàn nhất để giữ tiền. Mức lãi suất khuyến khích việc gửi tiết kiệm, và sự thuận tiện khi tiếp cận các khoản vay giúp họ thoát được các băng nhóm cho vay nặng lãi, lãi suất thường đến 300% một năm.
Đổi đời nhờ cuốn sổ tiết kiệm
|
Cuốn sổ tiết kiệm màu xanh đã giúp Roy tìm lại được phẩm giá, giúp cô cảm thấy bản thân là một phần trong xã hội, cảm giác được bình đẳng với người khác và có quyền quyết định số phận của mình. Quan trọng hơn, nó cho phép cô sở hữu một loại giấy tờ tùy thân ghi tên họ và địa chỉ - điều kiện tiên quyết để thuê nhà, nhận phúc lợi xã hội và thực hiện quyền bỏ phiếu.
Roy hiện là trợ lý thư ký của ngân hàng, được thành lập dưới sự bảo trợ của Durbar Mahila Samanwaya Committee, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người làm nghề mại dâm.
Tại văn phòng bên cạnh, cố vấn chính Smarajit Jana cho biết ông ngân hàng làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ hành nghề mại dâm. "Họ mua đất, xây nhà, cho con ăn học, gửi tiền về cho cha mẹ, mở doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng đã mang đến một sự bảo đảm mà trước đó họ chưa bao giờ có", ông chia sẻ.
Jana hoạt động trong các tổ chức phòng chống HIV đầu thập niên 1990, và ông nhận ra rằng những người hành nghề mại dâm cần được hỗ trợ nhiều hơn. "Chủ nhà thổ lấy đi 50% thu nhập. Những gì còn lại tiếp tục bị cắt xén bởi các tay bảo kê và những kẻ tống tiền. Họ cần tự kiểm soát được tài chính của mình", ông nhận định.
Subhash Shaw, con trai một người từng hành nghề mại dâm, hiện là nhân viên thu tiền gửi và lãi vay hàng tháng cho ngân hàng. Ông được ăn học nhờ tiền tiết kiệm của mẹ mình ở ngân hàng này. "Số khách hàng không thanh toán đúng hạn là hiếm hoi. Họ rất có trách nhiệm", ông chia sẻ.
Trong một căn chung cư cũ thuộc Sonagachi, khu phố đèn đỏ lớn nhất Ấn Độ là Manju Dutt, bà đã qua tuổi 50 tuổi và sống từ nhỏ ở đây. Bà lấy ra cuốn sổ tiết kiệm, trên đó ghi những lần thanh toán cho 3 khoản vay từ ngân hàng Usha: 2 đám cưới và 1 cuộc phẫu thuật.
"Tôi tin tưởng Usha vì người làm nghề mại dâm điều hành nó. Khi tôi không được khỏe, họ đến tận nơi để thu hoặc mang giấy tờ đến nếu tôi cần ký rút tiền", bà nói.
Nhiều phụ nữ Ấn Độ bị chồng bỏ rơi, họ buộc phải làm nghề mại dâm để nuôi sống bản thân, con cái và anh chị em trong nhà. Rita Das, khách hàng đến gửi thêm 8 USD vào tài khoản, cho biết mình đang nuôi hai đứa con sau khi chồng cô bỏ đi cùng một phụ nữ khác.
Anu Maiti kết hôn ở tuổi 16 và trở thành một góa phụ ở tuổi 17. Giờ đây ở tuổi 35, cô có một căn phòng cho thuê. Cô đến ngân hàng để mở một tài khoản mới. "Nếu không có sổ ngân hàng như giấy tờ tùy thân, không chủ nhà nào chấp nhận cho tôi thuê. Tôi không có con nên phải để một khoản dành dụm về sau", cô nói.
Về phần Rita Roy, cô đang lạc quan nhìn về tương lai. "Với miếng đất nhỏ mua bằng tiền vay từ Usha, tôi sẽ vay thêm một khoản khác và xây dựng hai phòng ở”, cô nói: "Nếu thành công, ngân hàng sẽ giúp tôi thoát cảnh nghèo đói”.
Nhờ hoạt động hiệu quả, trong tháng này Usha đã bắt đầu cung cấp dịch vụ ngân hàng và gói tín dụng cho nhóm khách hàng mới là người giúp việc và công nhân xây dựng.
Tác giả: Đỗ Anh
Nguồn tin: Báo Dân trí