Liên quan đến khả năng thiết lập một căn cứ quân sự trên Hồng Hải như nội dung thảo luận giữa Tổng thống Sudan Omar al-Bashir với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, trả lời Sputnik, Đại tá Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga cho rằng nó không thích hợp ở thời điểm này.
Theo Đại tá Murakhovsky, căn cứ của Nga trong khu vực này đã có từ thời Xô Viết.
"Tôi không chắc là bây giờ căn cứ cần thiết đến đâu. Hẳn là chúng ta cần cái gì đó giống như trạm đảm bảo hỗ trợ vật chất-kỹ thuật để các con tàu của chúng ta có thể ghé vào, thay đổi thủy thủ đoàn, bổ sung vật tư hậu cần mà trước hết là thực phẩm, nước và nhiên liệu. Như vậy có lẽ sẽ thú vị đối với chúng ta".
Trong thời gian tới, còn một số nước có thể đề nghị với Nga sử dụng các căn cứ quân sự của mình. Ảnh: RIA Novosti |
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, như vậy không có nghĩa là bây giờ cần tổ chức một căn cứ thường trực kiểu như Hmeimim và Tartous ở Syria trên lãnh thổ của Sudan.
"Trong khu vực này chúng ta không có hải đội thường trực như đơn vị tác chiến phối hợp của Hải quân Nga ở phần đông Địa Trung Hải. Cần nhìn vào thực tế.
Nếu khôi phục hải đội ở Ấn Độ Dương, thì khi đó ta phải có đủ số lượng tàu lớp đầu tiên và thứ hai. Phải nhìn trước hết từ góc độ nhãn quan quân sự. Những con tàu hiện có đều do Liên Xô xây dựng, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu hiện đại", nhà phân tích quân sự nhận xét.
Theo lời ông Murakhovsky, căn cứ ở Sudan có thể sử dụng cơ bản là để khẳng định sự hiện diện của Nga trong khu vực, phất cao lá cờ của Hải quân Nga và tham gia vào cuộc đấu tranh chống cướp biển.
Cũng bàn đến vấn đề này, nghị sĩ Franz Klintsevich cho hãng Tass biết, tới đây, ngày càng có nhiều nước sẽ quan tâm tới Nga với việc đề xuất cho Nga sử dụng căn cứ quân sự của mình. Những đề nghị này, theo ông, sẽ ngày càng nhiều trong thời gian tới. Nhưng việc quyết định vẫn là do Tổng thống Putin.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, hiện vẫn chưa có thỏa thuận liên quan tới căn cứ quân sự tại Sudan, “nhưng tương lai này là có thể xảy ra”.
“Quyết định cuối cùng chỉ có thể được thông qua bởi Tổng thống. Chúng ta phải hiểu rằng, Nga vô cùng coi trọng an ninh của mình và để tham gia vào không gian quốc tế, thì căn cứ quân sự tại Sudan là không thừa – điều này đồng nghĩa với việc tính tới mối quan hệ lẫn nhau của chúng tôi. Chúng ta phải tính tới cả hoàn cảnh hiện tại”, nghị sĩ Franz Klintsevich nói.
Theo nghị sĩ Franz Klintsevich, khả năng Nga tham dự vào Biển Đỏ và sự có mặt của căn cứ quân sự này cho phép tiết kiệm hơn chi phí trong trường hợp phát sinh sự phức tạp, sự tham gia của các tàu chiến và cơ sở sửa chữa, cũng như để kíp lái được nghỉ ngơi – "điều này rất quan trọng và thực tế là chúng tôi có”.
Ngoài ra, Klintsevich còn cho rằng, cần phải hiểu được thực tế tình hình quốc tế, bởi “người Mỹ không phải không có lý do khi đang nắm giữ 700 căn cứ quân sự”. “Điều này rất quan trọng xuất phát từ quan điểm bảo đảm sự tham gia vào không gian quốc tế.
Nga có những lợi ích của mình không chỉ ở những nơi mà láng giềng của Nga sinh sống, mà cả trên toàn thế giới. Và căn cứ theo luật quốc tế, Nga sẽ bảo đảm những lợi ích của mình”, nghị sĩ Franz Klintsevich cho biết.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga ngày 23/11, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.
Tổng thống Bashir đã chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác khi cho rằng chính hành động của Mỹ là nguyên nhân khiến Sudan bị chia rẽ như hiện nay (Sudan và Nam Sudan). Ông cũng cho rằng những gì diễn ra tại Syria hiện nay là hậu quả của sự can thiệp của Mỹ. Vì vậy, Sudan cần tự vệ trước những hành động xâm lược từ bên ngoài.
ÔngOmar al-Bashir đề cập đến khả năng thiết lập một căn cứ quân sự của Nga trên Hồng Hải.
Tác giả: An Nhiên
Nguồn tin: Báo Đất Việt