Thế giới

Nga có thể điều chỉnh học thuyết hạt nhân

Đề xuất thay đổi chính sách cốt lõi về vấn đề hạt nhân của Nga được đưa ra thảo luận giữa lúc căng thẳng trong quan hệ nước này và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tổ hợp tên lửa Iskander-M có thể mang theo đầu đạn hạt nhân của Nga. Ảnh CHỤP MÀN HÌNH SPUTNIK

Đài RT hôm qua đưa tin một nhóm nghị sĩ tại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga đề xuất điều chỉnh học thuyết hạt nhân của nước này theo hướng cho phép sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân. Phát biểu tại cuộc điều trần do Ủy ban Quốc phòng Thượng viện tổ chức, các thượng nghị sĩ Nga đề nghị Hội đồng An ninh quốc gia soạn thảo một phiên bản mới của học thuyết hạt nhân. Theo họ, học thuyết mới nên cho phép Moscow “đưa ra quyết định đáp trả trong trường hợp đối phương dùng vũ khí bội siêu thanh và những vũ khí quy ước chiến lược khác” để chống lại Nga. Cụ thể hơn là Nga được phép sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó vũ khí bội siêu thanh và các vũ khí phi hạt nhân khác.

Nhóm thượng nghị sĩ trên nói rằng cập nhật học thuyết hạt nhân là điều cần thiết do nguy cơ ngày càng cao các cuộc xung đột khu vực bùng phát thành chiến tranh quy mô lớn có sử dụng vũ khí hạt nhân lẫn thông thường. Hãng Sputnik dẫn lời thượng nghị sĩ Franz Klintsevich cho biết đề xuất trên một phần cũng xuất phát từ việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng ngày càng sát biên giới Nga. “Mọi động thái đó đều nhằm đe dọa Nga”, ông Klintsevich nói.

Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tuần cũng chủ trì cuộc họp an ninh với giới chức quân sự để thảo luận cách đáp trả trước việc Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tại cuộc họp, ông Putin tuyên bố nước này sẽ không bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng cũng không ngồi yên trước việc Mỹ rời INF. Chủ nhân Điện Kremlin cho hay Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại về một thỏa thuận song phương với nội dung hạn chế tên lửa tầm trung của mỗi bên, nhưng Nhà Trắng phải cân nhắc với tinh thần trách nhiệm. “Giờ đây, chúng tôi sở hữu các dòng vũ khí bội siêu thanh có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ”, Tổng thống Nga nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu chuẩn bị “những bước cụ thể” để kịp thời phản ứng trước động thái từ Washington. Theo nhà lãnh đạo, thay vì chạy đua vũ trang, Nga sẽ phát triển đồng đều các lực lượng quân sự để phù hợp với tình hình mới.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, được cập nhật lần gần đây nhất vào năm 2014, cho phép các lực lượng nước này triển khai vũ khí hạt nhân trong 2 kịch bản. Thứ nhất là ứng phó cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, chống Nga hoặc đồng minh của Nga. Thứ hai là cần sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, đe dọa sự tồn vong của nước Nga.

Tác giả: Huỳnh Thiềm

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP