Tên lửa đạn đạo Pershing II thời Chiến tranh lạnh, Mỹ triển khai tại châu Âu. ảnh: Thedrive |
“Chẳng lẽ những người ở Washington thực sự không hiểu chuyện này sẽ dẫn đến đâu sao?”, cựu tổng thống Liên Xô, năm nay đã 87 tuổi nói với hãng tin Intefax.
Trước đó, hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước có từ thời Chiến tranh lạnh với nội dung loại bỏ một số loại vũ khí hạt nhân, viện lý do rằng Nga vi phạm hiệp ước này.
Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), do tổng thống Mỹ ở thời điểm năm 1988 là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev thông qua, bắt buộc các bên tham gia hủy bỏ các tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.
Một phát ngôn nhân của điện Kremlin nói tổng thống Nga sẽ tìm kiếm các câu trả lời về việc rút lui của phía Mỹ khi ông gặp cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là John Bolton, hôm qua đã tới Nga, theo Reuters.
Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Washington chưa chính thức thi hành các bước nhằm rút khỏi INF. Tuy nhiên, ông Lavrov nhắc lại rằng nếu Mỹ làm vậy thì Nga sẽ cực lực phản đối.
INF đã được ông Reagan và Gorbachev ký tại một buổi lễ được tổ chức ở Nhà Trắng có điều khoản cấm sử dụng các tên lửa hạt nhân tầm trung bắn đi từ mặt đất, có khả năng tấn công châu Âu và Alaska, Mỹ.
INF đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng Chiến tranh lạnh, khi Liên Xô được cho là đã bố trí gần 400 đầu đạn hạt nhân hướng về Tây Âu. Mỹ đáp trả bằng cách đặt các tên lửa đạn đạo Pershing và một số loại tên lửa hành trình ở châu Âu.
Nhưng lúc đó các động thái này đã gây ra một làn sóng phản đối từ những phong trào kêu gọi bỏ vũ khí hạt nhân. Họ cho rằng, vô hình trung châu Âu đã bị biến thành một chiến trường hạt nhân tiềm tàng.
Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hàng trăm ngàn người biểu tình đã đổ xuống đường ở Bonn, Tây Đức, tổ chức cắm trại phản đối ở Anh, nơi đặt các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói, rút khỏi INF “là bước đi rất nguy hiểm” và chính Washington, không phải Moscow, mới không chịu tuân thủ hiệp ước, theo TASS. Ông Ryabkov nói chính quyền của ông Trump đang sử dụng INF như một công cụ để “tống tiền” Nga, đặt an ninh toàn cầu vào chỗ nguy cấp. “Chúng tôi, tất nhiên, không chấp nhận tối hậu thư hay các phương pháp tống tiền”, ông nói với Intefax.
Mặc dù không phải là một bên tham gia INF, nhưng khi được hỏi về các bình luận của ông Trump, hôm qua, đại diện ngoại giao Trung Quốc nói rút khỏi INF sẽ có tác động tiêu cực tới nhiều phía. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói phía Mỹ cần “nghĩ ba lần trước khi hành động”.
“Điều cần nhấn mạnh là lôi Trung Quốc vào chuyện đơn phương rút khỏi hiệp ước là hoàn toàn sai lầm”, bà Hoa nói.
Trước đó, tổng thống Trump nói Mỹ sẽ phát triển các loại vũ khí tương tự trừ khi Nga và Trung Quốc đồng ý dừng phát triển các chương trình này.
Trong khi đó, bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson, theo tường thuật của Financial Times, nói London cương quyết ủng hộ Mỹ về vấn đề này và rằng Kremlin đang “nhạo báng” INF.
Tuy nhiên, một thành viên NATO khác là Đức lại bày tỏ sự lo ngại trước các động thái của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói trong 30 năm qua, INF là xương sống trong kết cấu an ninh của châu Âu. “Nay chúng tôi thúc giục Mỹ cân nhắc những hậu quả có thể xảy đến nếu rút lui khỏi hiệp ước” ông Maas nói.
Thượng nghĩ sỹ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, việc tuyên bố rút khỏi INF rất có thể chỉ là “đòn” của ông Trump nhằm buộc Nga phải “nhún nhường”. “Ví dụ như vụ ông Trump dọa chấm dứt hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cuối cùng thì cũng chỉ có một số thay đổi nhỏ”, ông Corker nói với CNN. |
Tác giả: Anh Minh
Nguồn tin: Báo Tiền phong