Hệ thống phòng không tầm gần và tầm trung Pantsir-S1. (Ảnh: Sputnik) |
Almasdar News đưa tin, sự việc xảy ra ngày 27/12, khi lực lượng khủng bố đang hoạt động ở khu vực tỉnh Idlib, Syria khai hỏa một loạt rocket nhằm vào căn cứ quân sự Khmemeim của Nga ở tỉnh Latakia..
Nguồn tin cho biết thêm, tổ hợp phòng không Pantsir của Nga đã nhanh chóng phát hiện ra mối đe dọa và sử dụng đạn pháo và tên lửa dẫn đường bằng radar hạ gục đòn tấn công của những tên khủng bố.
Hệ thống đã đánh chặn thành công 2 rocket bay tới gần căn cứ không quân, trong khi 1 rocket rơi xuống thị trấn Jableh, tỉnh Latakia, cách xa căn cứ quân sự Khmemeim.
Nga đã điều máy bay trực thăng tuần tra khu vực nghi là nơi khủng bố khai hỏa tên lửa và theo báo cáo sơ bộ, những tên này đang đóng quân tại thị trấn Bidama, tỉnh Idlib.
Cùng với “rồng lửa” S-400, tổ hợp Pantsir-S1 là “cặp đôi hoàn hảo” giúp bảo đảm an toàn cho lực lượng Nga và đối phó với mọi mối đe dọa từ đối thủ. Pantsir-S1.
Theo những thông tin được Nga công bố, Pantsir-S1 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc trên mặt đất, trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc 2 tên lửa vào mục tiêu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trên thế giới hiện không có loại tổ hợp vũ khí nào có chức năng tương đương.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của tổ hợp tên lửa Pantsir-S1 gồm radar phát hiện và bám mục tiêu, hệ thống quan sát quang-ảnh nhiệt. Chúng cung cấp tham số bắn cho 2 pháo phòng không 2A38M 30 mm và 12 đạn tên lửa phòng không 57E6-E.
Ở tầm xa, Pantsir-S1 sử dụng tên lửa để tiêu diệt mục tiêu với tầm bắn lên tới 20km, tầm cao 16km. Theo các chuyên gia đánh giá, hệ thống Pantsir-S1 sẽ phát huy thế mạnh của mình khi tấn công những mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng, các máy bay tấn công, tên lửa hành trình bay thấp của đối phương…
Nga bắt đầu tham gia vào chiến dịch chống khủng bố ở Syria từ năm 2015 theo lời đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau 2 năm tác chiến, Nga đã thành công trong việc hỗ trợ lực lượng Syria quét sạch bóng đen khủng bố. Dù đã rút một phần lực lượng khỏi Syria, nhưng quân đội Nga vẫn sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria ít nhất vài thập niên tới tại căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí