Số hóa

Nếu VTV không mua được bản quyền, người Việt sẽ xem World Cup bằng cách nào?

Cận kề thời điểm World Cup chính thức khởi tranh trên đất Nga, việc VTV chưa chốt được bản quyền phát sóng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khiến không ít người hâm mộ lo lắng.

Chỉ còn vài ngày nữa, World Cup, một trong những ngày hội thể thao được chờ đón nhất hành tinh, sẽ chính thức khởi tranh. Trong không khí háo hức của giải bóng đá bốn năm mới được tổ chức một lần, không ít người hâm mộ Việt Nam cảm thấy lo lắng trước thông tin VTV vẫn chưa kết thúc quá trình đàm phán mua bản quyền phát sóng World Cup với vướng mắc lớn nhất được đưa ra là chi phí quá cao. Phía VTV cũng cho biết nhà đài sẽ không mua bản quyền World Cup 2018 bằng mọi giá. Như vậy, người hâm mộ Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội xem các trận bóng mùa World Cup năm nay trên các kênh sóng truyền hình.

Cuối ngày 06/06, vẫn chưa có thông báo mới về việc VTV có mua được bản quyền World Cup 2018 không. Dù vậy, nhà đài cho biết sẽ không mua bản quyền bằng mọi giá.

Dĩ nhiên, ai cũng chờ đợi VTV công bố đã mua được bản quyền World Cup, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất, không ít người hâm mộ bóng đá đang “rỉ tai” nhau các hình thức “xem lậu”, “xem chùa” qua Internet. Thực tế, việc “xem lậu” các trận cầu độc quyền trên Internet không phải một điều gì đó quá lạ lẫm với người hâm mộ túc cầu trong nước mỗi khi một giải đấu hay trận đấu nào đó được nhà đài độc quyền.

“Chỉ cần một đường link, một phần mềm chuyên dụng và laptop có kết nối Internet là đã có thể thoải mái xem bất kì trận đấu nào đang diễn ra,” Minh Tú (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. Anh cho biết đây là không ít sinh viên mê bóng đá như anh tận hưởng môn thể thao vua. “Trước việc độc quyền phát sóng ngày một nhiều, nếu không muốn tốn tiền ra một quán cà phê nào đó xem bóng đá, xem lậu vẫn là cách tốt nhất,” độc giả này thành thực nói thêm.

Chi phí bản quyền phía đơn vị nắm giữ chào cho VTV được cho là lên tới 14 triệu USD.

Trên các mạng xã hội như Facebook, với những trận đấu lớn, người ta cũng không khó tìm thấy các bài đăng livestream lậu. Những đoạn livestream này thường sử dụng một số thủ thuật như làm méo tiếng, quay ngược khung hình… để đánh lừa bộ lọc tự động phát hiện nội dung vi phạm của các mạng xã hội.

“Xem bóng đá kiểu này không đã vì chất lượng âm thanh, hình ảnh kém, chưa kể đến việc lag giật cũng cực kì làm… mất cảm xúc,” Hồng Đăng (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ. Tuy nhiên, độc giả này nói thêm rằng trong bối cảnh “không có gì tốt hơn” thì “dùng cách này cũng đáng.”

Dĩ nhiên, việc “xem lậu”, “xem chùa” không nên được cổ suý, tuy nhiên với một sự kiện như World Cup mà nhiều người đã chờ đợi đến 4 năm để mới lại có cơ hội tận hưởng thì chuyện tìm cách “lách luật” được không ít người hâm mộ tự nhủ là “chuyện chẳng đành”.

Tác giả: Vũ Tuấn Anh

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP