Tin địa phương

Năng lực thu gom, xử lý rác thải từ các nhà máy còn hạn chế

Lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, trong khi việc thu gom, vận chuyển và năng lực xử lý rác thải từ các nhà máy ở Quảng Bình còn hạn chế khiến rác thải quá tải.

Việc tập kết rác thải sinh hoạt tự phát vẫn còn ở một số địa phương.

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho thấy: Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 481,72 tấn/ngày. Trong đó, chủ yếu tập trung ở thành phố Đồng Hới khoảng 100,40 tấn/ngày; huyện Bố Trạch khoảng 90,36 tấn/ngày; thị xã Ba Đồn khoảng 64,13 tấn/ngày... Bình quân tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ước tính khoảng 1.985,05 tấn/năm.

Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại địa bàn thành phố Đồng Hới do Công ty Cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình đảm nhận. Còn tại 8 huyện, thị trấn, thị xã còn lại do Ban quản lý các công trình công cộng của huyện đảm nhận.

Qua đánh giá của ngành chức năng, hiện tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đạt 78,26%. Thành phố Đồng Hới là nơi có tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt cao nhất là đạt 95,62%; 8 huyện, thị xã còn lại đạt mức dưới 80%.

Công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu.

Chất thải rắn công nghiệp thông thường được các cơ sở sản xuất thu gom, hợp đồng vận chuyển xử lý bảo đảm theo đúng quy định. Với chất thải nguy hại, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở thu gom, xử lý; lượng chất thải phát sinh này được các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp thu gom lưu chứa theo quy định và hợp đồng với các công ty ngoài tỉnh đến vận chuyển đi xử lý.

Tuy vậy, nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch) của Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam, có quy mô 9ha, công suất xử lý 245 tấn/ngày, mức đầu tư 1.380 ngàn tỷ đồng, thường xuyên dừng vận hành và tiếp nhận rác thải, gây nên tình trạng ùn ứ rác thải tại nhiều bãi rác.

Ông Phan Xuân Hào - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho hay: UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh các hạn chế trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương hình thành các điểm tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt tự phát, khi được chỉ đạo mới xử lý. Việc nhà máy phân loại, xử lý chất thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ thường dừng vận hành, tiếp nhận rác thải với lý do bảo trì dây chuyền, lắp đặt thêm thiết bị, gây áp lực không nhỏ lên khâu quản lý, điều hành của chính quyền.

Nhà máy xử lý rác thải quy mô vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

UBND xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết: Việc nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng nhà máy phân loại, xử lý rác thải quy mô nhất tỉnh, với thiết bị nhập từ Cộng hòa liên bang Đức là điều đáng mừng. Tuy vậy, về phương diện quản lý Nhà nước, địa phương đề nghị lãnh đạo Công ty sớm đầu tư hoàn chỉnh các dây chuyền của nhà máy, chủ động kho bãi tập kết rác trong khuôn viên, có biện pháp ngăn mùi hôi, tránh phát sinh ruồi nhặng, ô nhiễm môi trường ra các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn tại xã Quảng Tiến và Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch) với công suất xử lý 200 tấn/ngày của Công ty TNHH Môi Trường Xanh Miền Trung hiện chỉ mới hoàn thành công tác san đắp mặt bằng để xây dựng nhà máy, gây ra nhiều khó khăn cho việc xử lý rác thải tại khu vực Bắc Quảng Bình.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP