- P.V: Năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào. Xin ông có thể chia sẻ niềm vui này với bạn đọc?
* Ông Đặng Ngọc Tuấn: Năm học vừa qua, ngành GD-ĐT đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục (CSGD), hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GD-ĐT; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông (GDPT), giáo dục thường xuyên (GDTX) và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong toàn ngành…
Các trường học đã tập trung đổi mới để “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” của học sinh. |
Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 6 nghị quyết và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 2 nghị quyết. Các nghị quyết do Sở GD-ĐT tham mưu đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, phụ huynh, giáo viên (GV), học sinh (HS), tạo động lực thúc đẩy phát triển giáo dục.
Ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất (CSVC), thiếu GV do tinh giản biên chế để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2023 của ngành tăng lên đáng kể so với năm trước. Điểm trung bình tất cả các môn là 6,365 điểm, đứng thứ 35 của cả nước (năm 2021 đứng thứ 49, năm 2022 đứng thứ 38).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong GD-ĐT đạt được những thành quả đáng kể. Hạ tầng CNTT phục vụ công tác quản lý và dạy học tại các CSGD và cơ quan quản lý ngày càng đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực CNTT được nâng lên. Công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin được củng cố. Hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số dần được phát triển, làm cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành.
Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm đã tạo hứng thú cho học sinh trong học tập. |
Công tác quản lý giáo dục tiếp tục được đổi mới. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL và GV đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 được triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Chất lượng đội ngũ được nâng lên. Kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) được duy trì vững chắc, được Bộ GD-ĐT công nhận là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn PCGD tiểu học (TH) mức độ 3, PCGD THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai thực hiện có hiệu quả, điểm các chỉ số CCHC được tăng lên đáng kể.
- P.V: Cùng với những thuận lợi, ngành GD-ĐT cũng đối mặt với không ít khó khăn. Vậy ngành đã có những giải pháp nào để khắc phục, thưa ông?
* Ông Đặng Ngọc Tuấn: Đứng trước những khó khăn, như: Thiếu GV nhất là những môn học mới của Chương trình GDPT 2018; CSVC, thiết bị phục vụ dạy, học chưa được đáp ứng chương trình đổi mới; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu..., ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước khắc phục bất cập, hạn chế.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT, ngành luôn chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mặt khác, tăng cường huy động, đa dạng hóa các nguồn lực cho hoạt động giáo dục; đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra theo hướng trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công cuộc đổi mới GD-ĐT.
Các giờ dạy sáng tạo đã giúp cho trẻ mầm non được “Học mà chơi, chơi mà học”. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các CSGD rà soát, nâng cấp thiết bị dạy học hiện có và tập trung các nguồn lực hợp pháp để mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo hướng hiện đại hóa; phát động phong trào tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học trong toàn thể GV.
- P.V: Năm học 2023-2024 được xem là năm bứt phá của đổi mới giáo dục. Xin ông cho biết ngành GD-ĐT đã có sự chuẩn bị như thế nào để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học?
* Ông Đặng Ngọc Tuấn: Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chương trình GDMN, GDPT và GDTX.
Đối với bậc học MN, tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; đồng thời triển khai thực hiện giai đoạn 2 đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Ngành cũng đã có những giải pháp nhằm củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng PCGD MN cho trẻ 5 tuổi, chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện PCGD MN cho trẻ mẫu giáo dưới 5 tuổi và từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV…
Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An thích thú với giờ học sáng tạo. |
Đối với bậc TH, THCS, THPT, ngành đã chuẩn bị đội ngũ GV, CSVC, thiết bị dạy học… để triển khai tốt Chương trình GDPT 2018. Nhiệm vụ quan trọng nữa là củng cố, phát triển mạng lưới các trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp-GDTX, đa dạng hóa nội dung chương trình, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… Mặt khác, phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt, bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ GV và CBQL giáo dục các cấp, sắp xếp, điều tiết phù hợp GV giữa các CSGD tại địa phương nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ. Ngành cũng nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng GV, hỗ trợ, tạo điều kiện để GV yên tâm công tác và thực hiện đào tạo GV gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ngành còn xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm bố trí đủ GV dạy học các môn Ngoại ngữ, Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018.
Cùng với việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ngành GD-ĐT còn tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng cho HS noi theo.
Giờ dạy và học sôi nổi của giáo viên, học sinh Trường tiểu học Đồng Phú. |
Nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, CCHC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, chủ động phát hiện, biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn ngành…
Sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn ngành, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân đã tạo niềm tin, động lực để ngành GD-ĐT tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm học mới 2023-2024.
- P.V: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này và chúc ngành GD-ĐT đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới.
Năm học vừa qua, toàn ngành đã triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10. Quảng Bình là 1 trong 19 tỉnh đầu tiên của cả nước đưa nội dung giáo dục địa phương vào dạy học ngay từ đầu năm học. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực. Kỹ năng thực hành, chủ động sáng tạo của người học từng bước được nâng lên.
Tác giả: Nh.V
Nguồn tin: Báo Quảng Bình