Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm trụ sở UNESCO năm 2014 (Ảnh: AFP) |
Trung Quốc ngày 13/10 cho hay Bắc Kinh sẽ tiếp tục tham gia và hợp tác với các quốc gia khác trong Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) sau khi Washington tuyên bố rút sắp rút khỏi tổ chức này.
“Trung Quốc coi trọng tầm quan trọng và UNESCO và muốn đóng góp nhiều hơn cho sự hợp tác của tổ chức”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm qua.
Trung Quốc đã rút ứng viên khỏi cuộc đua cho vị trí tổng giám đốc UNESCO để ủng hộ ứng viên Moushira Khattab của Ai Cập trong một động thái mà các nhà phân tích nói là có thể một phần nhằm thúc đẩy quan hệ với thế giới Ả-rập.
Trung Quốc là thành viên đóng góp nhiều thứ 3 cho UNESCO, cung cấp 7,9% nguồn tài chính cho tổ chức này, sau Mỹ và Nhật Bản. Mỹ trước đây cung cấp 22% tài chính cho UNESCO.
Mỹ đã cắt viện trợ cho UNESCO vào năm 2011 sau khi các thành viên của tổ chức này công nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Hiện thời, Mỹ nợ UNESCO khoảng 550 triệu USD. Washington viện dẫn “sự thiên vị chống lại Israel” và các khoản chi ngày càng tăng là lý do để rút khỏi UNESCO. Israel sau đó cũng tuyên bố rút khỏi tổ chức.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc sắp mãn nhiệm của UNESCO sau 2 nhiệm kỳ, cho biết bà rất lấy làm tiếc về các quyết định trên.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tư cách thành viên UNESCO của Mỹ sẽ kết thúc vào ngày 31/12 nhưng nước này muốn duy trì vai trò nước quan sát thường trực.
Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn
Theo ông Jin Canrong, chuyên gia về quan hệ quốc gia tại Đại học Renmin (Bắc Kinh), cho rằng việc mất nhà tài trợ lớn nhất có thể ảnh hưởng tới việc vận hành và các hoạt động của UNESCO, và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đóng vai trò lớn hơn.
“Không tránh khỏi việc tầm quan trọng của Trung Quốc trong tổ chức sẽ gia tăng, nhưng tôi không biết Trung Quốc có muốn thế chân Mỹ hay không”, ông Jin nói.
“Khi sức mạnh gia tăng, Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sức ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế trong đó có UNESCO, dù Mỹ có ở đó hay không”, Zhang Guihong, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc tại Đại học Fudan, nhận định. “Việc Mỹ rút đồng nghĩa với việc UNESCO sẽ cần sự ủng hộ lớn hơn từ Trung Quốc và các thành viên khác”.
Các nhà phân tích khác đồng tình rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong UNESCO, cũng giống tình huống Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu toàn cầu hồi đầu năm nay.
Hồi tháng 6, khi Tổng thống Trump cân nhắc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận này, nói rằng nó không được phép thất bại.
Ông Tập đã tới thăm trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp) vào năm 2014, ca ngợi tổ chức này. Vợ ông, bà Bành Lệ Viện, là đặc phái viên cho phương trình của UNESCO về giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái.
Vì sao Trung Quốc ủng hộ ứng viên của Ai Cập?
Trung Quốc đã rút ứng viên Qian Tang khỏi cuộc đua vào ghế tổng giám đốc UNESCO và quay sang ủng hộ ứng viên của Ai Cập (Ảnh: UNESCO) |
Nhiệm kỳ của Tổng giám đốc Bokova sẽ kết thúc vào cuối năm nay và các thành viên đã bỏ phiếu để tìm ra người kế nhiệm bà. Trung Quốc đã rút ứng viên Qian Tang khỏi danh sách bầu chọn sau khi ông không giành được số phiếu bầu cao và quay sang ủng hộ ứng viên của Ai Cập.
Trung Quốc có nhiều lý do để ủng hộ ứng viên Ai Cập, trong đó có lý do cải thiện quan hệ với thế giới Ả-ập, cũng như sự tham gia của Ai Cập trong tham vọng vành đai và con đường và kế hoạch hạ tầng của Trung Quốc, theo chuyên gia Liu Naiya chuyên nghiên cứu về Tây Á và châu Phi tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
“Ai Cập là một quốc gia lớn và có nhiều ảnh hưởng cả ở châu Phi và thế giới Ả-rập, và quyết định của Trung Quốc nhằm ủng hộ Ai Cập đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cho rằng ứng viên này có khả năng chiến thắng cao”, chuyên gia Liu nói.
Tuy nhiên, ứng viên Audrey Azoulay của Pháp đã giành chiến thắng ở vòng bỏ phiếu thứ 5 ngày 13/10 và sẽ trở thành tổng giám đốc tiếp theo của UNESCO.
Và cũng có khả năng cao là Mỹ sẽ trở lại UNESCO trong tương lai khi Tổng thống Trump rời Nhà Trắng, theo chuyên gia Jin từ Đại học Renmin.
“Đó là chuyện quan điểm của nhà lãnh đạo. Ông Trump không tin vào chủ nghĩa đa phương, nhưng người kế nhiệm ông có thể có”, ông Jin nói.
Mỹ trước đây cũng đã rút khỏi UNESCO vào năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nhưng sau đó đã tái gia nhập tổ chức vào năm 2003 dưới thời George W. Bush.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí