Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo đen) - Ảnh: Reuters |
Theo thống kê của giới chức Mỹ, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 22 tên lửa trong 15 vụ thử nghiệm kể từ tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng “án binh bất động” kể từ tháng 10. Sự im ắng này được cho có thể là do Triều Tiên đang chịu sức ép từ Trung Quốc, hoặc cũng có thể do mùa đông đang đến và Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiên liệu.
Mặc dù vậy, giới chức Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn đang âm thầm phát triển tên lửa, nhiên liệu và động cơ tên lửa cũng như hệ thống dẫn đường, định vị mục tiêu.
Giới chức quốc phòng Mỹ đánh giá Triều Tiên có thể thu nhỏ đầu đạn gắn cho tên lửa vào năm 2018 và tiến gần hơn đến khả năng chế tạo tên lửa mang đầu đạn có thể bắn tới Mỹ.
Điều khiến giới chức Mỹ lo ngại là, đằng sau sự im ắng bất thường này, Triều Tiên có thể đang âm thầm chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân trong không trung như đe dọa trước đó.
Hiện tại, giới tình báo Mỹ cho rằng, bãi thử hạt nhân dưới lòng đất quen thuộc của Triều Tiên Punggye-ri có thể đã bị phá hủy nghiêm trọng sau vụ thử hạt nhân lần 6 hồi tháng 9.
Nếu Triều Tiên quyết định tiến hành một vụ thử hạt nhân trên mặt đất, Washington lo ngại nó sẽ gần giống như một vụ tấn công, đặc biệt nếu Bình Nhưỡng dùng tên lửa mang đầu đạn.
Trong khi đó, Mỹ chỉ có vài phút để xác định liệu đó có phải là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thật hay không và quyết định phá hủy nó ngay trên bệ phóng hay chờ và tìm cách bắn hạ nó trong giai đoạn đầu.
CNN dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, Mỹ hiện không có một chính sách cụ thể về đánh phủ đầu và hơn nữa nếu đánh phủ đầu, Bình Nhưỡng sẽ có cớ để nói rằng họ bị Washington tấn công. Tuy nhiên, nếu chờ để bắn hạ tên lửa trong giai đoạn đầu theo cơ chế phòng vệ thì Mỹ sẽ phải đảm bảo rằng có đẩy đủ nguồn lực và thông tin tình báo.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí