Trong nước

Muốn đất nước phát triển, phải tránh tư tưởng cục bộ địa phương

Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận định, một số tồn tại về kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề về trạm thu phí giao thông BOT (theo hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) chắc chắn sẽ tiếp tục “nóng” tại kỳ họp này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương

- Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta từ đầu năm đến nay?

- ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: GDP 9 tháng đầu năm nay ước tính tăng 6,41%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 và quý sau luôn tăng cao hơn quý trước. Đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2017, cũng là điều kiện tốt để tạo đà cho bước phát triển kinh tế những năm tiếp theo. Để có được những kết quả tích cực như vậy là do Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách rất quyết liệt trong việc thắt chặt đầu tư công, thực hành tiết kiệm, chống đầu tư dàn trải.

Đặc biệt, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang có những hành động mạnh mẽ để thực sự trở thành một Chính phủ hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp. Hơn nữa, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua được triển khai rất quyết liệt, từ đó đem lại niềm tin trong nhân dân và tạo đà cho kinh tế phát triển.

Dù vậy, chắc chắn tại kỳ họp thứ 4 này, hàng loạt những tồn tại vướng mắc của nền kinh tế -xã hội sẽ được đưa ra bàn luận, mổ xẻ để có giải pháp tháo gỡ. Những vấn đề bức xúc như vướng mắc quanh các trạm thu phí BOT, công tác cán bộ, hay thiên tai bão lũ… sẽ tiếp tục nóng.

- Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và chỉ ra rất nhiều sai phạm tại rất nhiều trạm thu phí BOT trên cả nước. Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các bộ, ngành chức năng?

- Đây là vấn đề mà cử tri và nhân dân rất quan tâm. Chẳng hạn ngay tại Quảng Bình, kể từ khi có các trạm thu phí, nhân dân đã có nhiều ý kiến phản ánh sự bất hợp lý về vị trí đặt trạm, giá phí liên tục tăng cao. Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, cử tri đều mong muốn việc thực hiện chủ trương chính sách về BOT, cụ thể hơn là việc đặt các trạm thu phí và mức thu phí tham gia giao thông trên các tuyến đường BOT cần minh bạch, rõ ràng hơn, có kiểm soát chặt hơn và vì lợi ích nhân dân chứ không phải vì lợi ích doanh nghiệp.

- Tại nghị trường Quốc hội tới đây, ông sẽ có ý kiến gì về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội?

- Thời gian qua, các ý kiến phát biểu khi thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội nổi lên 3 xu hướng chính là: khen ngợi, phê phán hoặc đề xuất các chính sách có lợi cho địa phương, bộ, ngành mình. Tôi cho rằng, muốn kinh tế đất nước phát triển thì phải loại bỏ được tư tưởng cục bộ địa phương. Cá nhân tôi sẽ tập trung phát biểu về các giải pháp để tăng nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn thu cho quốc gia.


Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Tường thuật trực tiếp thảo luận về chống tham nhũng

“Tại kỳ họp thứ 4 này, để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 25,5 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Đáng chú ý, lần đầu tiên, các phiên thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại nghị trường Quốc hội sẽ được truyền hình trực tiếp…

Một Luật rất nhạy cảm và rất khó nữa sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp này là Luật Tố cáo (sửa đổi). Điểm còn tranh cãi nhiều nhất của dự luật này là vẫn còn 2 luồng ý kiến đối lập, một bên đề xuất giải quyết cả các đơn thư tố cáo nặc danh, khuyết danh và một bên chỉ chấp nhận giải quyết những đơn chính danh.

Bên bảo vệ quan điểm giải quyết cả đơn tố cáo nặc danh cho rằng cần thiết phải giải quyết vì hiện công tác bảo vệ người tố cáo của ta thực hiện chưa tốt, người tố cáo nếu để lộ danh tính có thể bị trù dập, trả thù. Ngược lại, bên kia cho rằng nếu giải quyết cả đơn tố cáo nặc danh, khuyết danh thì không cơ quan nào có đủ lực lượng làm cho xuể.

Cá nhân tôi thiên về phương án thứ hai vì hiện đơn thư tố cáo rất nhiều, đơn chính danh giải quyết còn chưa hết. Tuy nhiên, cần quy định theo hướng vẫn xem xét cả các đơn thư nặc danh nhưng có địa chỉ cụ thể, có chứng cứ rõ ràng”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Công chức lạm quyền, vô cảm gây bất bình

“Vừa qua, các bộ, ngành đã tích cực giải quyết dứt điểm được 573 kiến nghị cử tri (tăng so với kỳ trước). Chất lượng việc giải quyết các kiến nghị tại kỳ họp này cũng đã có một sự chuyển biến khá rõ rệt, những sai sót như trước đây đã được khắc phục khá triệt để.

Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của cử tri làm cơ sở pháp lý quan trọng xác định trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Một số vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội như cải cách thủ tục hành chính, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Dù vậy, số lượng kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều và có xu hướng tăng thêm. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập; việc tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân của cơ quan và người đứng đầu cơ quan vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng người đứng đầu cơ quan ủy quyền, giao cấp phó tiếp thay vẫn còn nhiều, nhất là vẫn có một số công chức biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm, gây bất bình trong nhân dân...”.

Tác giả: Tiến Hưng

Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP