Cuộc sống

Một chút sẻ chia, mong vợi đi nước mắt xóm Khanh

- Những tiếng khóc bi thương cất lên từ đám tang tập thể tại bãi đất trống ven quốc lộ 6, thuộc xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trong ngày mưa tầm tã. Năm chiếc áo quan nghi ngút khói hương càng khiến những người chứng kiến đau lòng…

Những nỗi đau ấy xuất phát từ buổi sáng định mệnh 12-10 khi nửa quả núi bất ngờ đổ sụp, vùi lấp toàn bộ 4 ngôi nhà sàn gỗ 5 gian rộng lớn, bên trong có 18 người đang say giấc. Trong đó có cả cháu bé mới tròn 3 tháng tuổi…

Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm người dân bị đất lở vùi lấp ở xóm Khanh, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình

Lên đường trong thời gian sớm nhất

“Xóm Khanh, Tân Lạc, Hòa Bình gặp đại nạn rồi. Báo An ninh Thủ đô sẽ chia sẻ khó khăn với bà con. Đồng chí Giám đốc CATP đã có ý kiến chỉ đạo”, Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Bình thông tin ngắn gọn tại buổi giao ban đơn vị đầu giờ sáng 12-10; và lập tức, các bộ phận chuyên môn bắt tay ngay vào việc.

Rất trân trọng, biết được tâm ý của CATP Hà Nội và Báo An ninh Thủ đô, Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup đã thông qua đoàn công tác Báo ANTĐ, gửi hỗ trợ mỗi gia đình gặp nạn có người tử vong ở xóm Khanh 5 triệu đồng; hỗ trợ mỗi hộ gia đình thiệt hại về tài sản số tiền 3 triệu đồng. Sáng sớm 13-10, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô do trực tiếp Tổng Biên tập dẫn đầu đã rời Hà Nội đi xóm Khanh, trong cơn mưa tầm tã.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đến xóm Khanh khi cơn mưa rừng Tây Bắc bắt đầu nặng hạt. Địa bàn xảy ra vụ lở núi tang thương cách thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc chừng 20km, và lực lượng Công an, Quân đội đã lập tới 4 trạm gác lưu động để cảnh báo sạt lở núi, lũ dâng qua quốc lộ 6, nơi chưa thể thông xe. Những cơn mưa tầm tã đã khiến từng đoàn xe ngược Tây Bắc phải đỗ nghỉ hai bên đường, kéo dài hàng cây số. Trong khung cảnh ấy, cảm thấy vững tâm, ấm lòng hơn khi bắt gặp hình ảnh các chiến sỹ bộ đội, công an đội mưa để đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Xóm núi bị xóa hoàn toàn

Đêm hãi hùng ở xóm Khanh trôi qua đã hơn 2 ngày, nhưng dấu hiệu của cảnh tang tóc, thê lương vẫn bao trùm nặng nề, ám ảnh. Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đã huy động tổng lực kỹ thuật, máy móc và chó nghiệp vụ để tìm đưa những người bị vùi chôn dưới đất đá, nhưng đến chiều tối 13-10, mới chỉ tìm được 10 nạn nhân. Vẫn còn 8 người trong 3 gia đình mất tích. Mỗi phút tìm kiếm trôi qua dài như thế kỷ.

Từ quốc lộ 6 vào nơi sạt lở đất chỉ khoảng hơn cây số, nhưng phải qua nhiều thung khe hết sức nguy hiểm. Con đường đất gặp mưa dữ dài ngày trở nên lầy lội, nhấc chân cũng khó. Thác nước Khanh vẫn gầm gào dội vào nơi núi lở, khó ai dám khẳng định nó chỉ lở đến thế rồi sẽ nằm yên. Vì thế, công việc tìm kiếm của lực lượng chức năng càng khó khăn gấp bội phần khi đêm 12 rạng sáng 13, đất núi lại tiếp tục lở mạnh.

Chẳng ai nghĩ đến, xóm núi có 8 nóc nhà sàn gỗ 5 gian vững chắc yên bình, chỉ trong chốc lát đã bị đất đá lấp vùi sâu hàng chục mét. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên khốc liệt hơn những gì con người tưởng tượng, đến những bụi tre già trăm tuổi của xóm Khanh cũng bị bật cả khóm lớn. Ruộng bị đất đá lấp san phẳng. Cánh đồng xóm Khanh giờ là bãi đất trống tan hoang.

Chị Bùi Thị Thảo, có mẹ và em trai mất tích, nét mặt chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khoảng 1h30 sáng 12-10, tôi được bà con báo hung tin lở núi lấp tất cả xóm Khanh rồi. Tôi vùng dậy chạy vào nhà mẹ tôi thì tất cả trước mắt là đất đá ngổn ngang, không còn nhìn thấy nóc nhà nào nữa. Từ hôm đó đến giờ, gia đình tôi trông ngóng mẹ và em nhưng chưa thấy để đón về”, chị Thảo ôm mặt nấc nghẹn. Anh Đinh Công Hồng, Trưởng Công an xã Phú Cường nhớ lại: “Thật khủng khiếp! Khi chúng tôi chạy vào thì đã không còn thấy xóm Khanh đâu. Cầu mong sớm tìm được các nạn nhân để lực lượng chức năng đỡ vất vả, và cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Nhưng hiện trường còn ngổn ngang và nguy cơ sạt lở vẫn như thế này, chắc phải vài ngày nữa mới có kết quả”.

Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình bị nạn trong vụ lở núi

Huy động tổng lực tìm kiếm cứu nạn

Đại tá Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Phụ trách Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường xót xa: “Đây là trận lở núi kinh hoàng nhất tôi từng biết ở mảnh đất này. Đến thời điểm hiện tại, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn hết sức khó khăn do những tảng đá lớn cả trăm tấn đè xuống. Trong hai ngày vừa qua, lực lượng chức năng mới tìm kiếm được 10 nạn nhân, còn lại vẫn mất tích, chưa có dấu hiệu tích cực. Hiện tỉnh Hòa Bình đã huy động tổng lực Công an, Quân đội đưa máy móc, thiết bị và chó nghiệp vụ để tiếp tục tìm kiếm. Điều quan trọng không kém là phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn”.

Sáng 13-10, bất chấp trời mưa tầm tã, những chiếc máy xúc hạng lớn đã được điều động thêm vào hiện trường để phục vụ công tác tìm kiếm. Lực lượng Công an, Quân đội bạt mưa, thay ca lật từng tảng đá, gốc cây để tìm kiếm. Lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC - Công an tỉnh Hòa Bình chia thành từng tổ, nhóm dùng máy cắt xẻ vật cản, chuyển đất đá khỏi hiện trường. Chiến sỹ Đinh Công Hậu, thuộc Cảnh sát PCCC Công an tỉnh cho biết, các nhóm tìm kiếm phải dùng đàm thoại nghe mệnh lệnh người chỉ huy để tránh nguy hiểm. Hiện đất gặp mưa trở nên lầy lội, nhão, rất dễ xảy ra sụt lún khi thao tác không đúng kỹ thuật.

Bên ngoài các lều dã chiến cạnh hiện trường, lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ để xử lý tình huống bất ngờ, cũng như trong dự định, kế hoạch đặt ra. Công tác khám nghiệm, y tế luôn trong sẵn sàng. Anh Đinh Công Hồng - Trưởng Công an xã Phú Cường cho biết: “Từ rạng sáng 12, lực lượng chức năng thay nhau tìm kiếm chưa lúc nào ngừng nghỉ”.

Sẻ chia bớt những mất mát, đau thương

Đến chiều 13-10, cơ quan chức năng đã xác định 18 người bị vùi lấp thuộc 4 hộ dân nằm dưới chân thác Khanh. Cụ thể, gia đình ông Đinh Công Hưng có 4 người chết; gia đình ông Đinh Văn Pậng 2 người chết; gia đình ông Đinh Công Huy có 5 người chết; gia đình ông Đinh Văn Mai có 5 người chết, trong đó có 2 khách đến chơi. Trong tổng số 18 người tử vong có cả Trưởng xóm và Chi hội trưởng nông dân, khi những cán bộ cơ sở này đến xóm Khanh để vận động các hộ gia đình di chuyển trước những dấu hiệu bất thường do mưa rất to kéo dài nhiều ngày.

Đoàn thiện nguyện Báo An ninh Thủ đô - CATP Hà Nội lội bùn, tiếp cận hiện trường mức gần nhất có thể. Trong cơn mưa tầm tã, ngổn ngang những tre gỗ, vách liếp và mùi gia súc chết bốc lên nồng nặc. Tất cả không còn nhận ra được gì. Đoàn công tác lần lượt thắp từng nén hương chia buồn với những gia đình có thân nhân gặp nạn. Có nỗi đau nào lớn hơn ở xóm Khanh, khi trong số các nạn nhân có rất nhiều người trẻ, thậm chí cả cháu bé mới chào đời được 3 tháng vẫn đang mất tích .

Anh Đinh Công Hồng chỉ lên đỉnh thác Khanh, buồn rười rượi: “Trên đỉnh đó nếu mưa to sẽ thành bể nước mênh mông, còn 8 hộ dân xóm Khanh ở chân thác. Trước cây lớn, cây nhỏ rậm rạp. Nay trơ trụi nên đỉnh không thể giữ được đất nữa rồi. Nếu còn cây cối, có lẽ núi đã không sập đổ thế này”. Tận sâu tâm khảm, chúng tôi hiểu ông Hồng. Chữ “nếu” bao giờ cũng đúng, nhất là trước những thảm hoạ thiên nhiên khốc liệt.

Tác giả: Đức Trí

Nguồn tin: anninhthudo.vn

  Từ khóa: mất mát , đâu thương , chia sẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP