Kinh tế

Chia sẻ phòng với Tây, sinh viên đút túi chục triệu/tháng

Thông qua hình thức cho khách Tây thuê lại căn phòng đang ở, mỗi tháng, Tuấn không những không mất tiền thuê nhà mà anh còn đút túi thêm chục triệu. Dịch vụ chia sẻ phòng khá phổ biến ở các nước phát triển đang dần len lỏi vào Việt Nam.

Có chỗ ở miễn phí mà lại thu thêm tiền khiến không ít người phải ngạc nhiên, nhưng với Nguyễn Minh Tuấn (KĐT Trung Hoà Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội) không có gì lạ. Đang làm việc ở một công ty nước ngoài, dù có nhà của bố mẹ nhưng Tuấn vẫn thuê căn hộ để ở riêng. Căn hộ Tuấn đang thuê với giá 15 triệu đồng/tháng.

Từng học ở nước ngoài nên Tuấn biết về mô hình chia sẻ phòng từ một ứng dụng. Anh quyết định chia sẻ một phòng để giảm chi phí. Không giống với việc thuê chung, chia sẻ phòng kiểu mới này có giá đắt hơn. Trung bình mỗi phòng, Tuấn đặt giá khoảng 500 nghìn/đêm.

“Mô hình chia sẻ phòng tương tự như Uber, nước ngoài sử dụng nhiều. Ở Việt Nam, tuy dịch vụ này còn mới nhưng khi áp dụng, căn hộ nhà mình rất đắt khách. Có thời điểm, khách đặt cả tháng, thấp điểm thì cũng cho thuê được 2/3 tháng”, Tuấn chia sẻ.

Kiếm lời từ chia sẻ lại phòng

Nhờ đó, Tuấn có thêm nguồn thu nhập để trả tiền cho chủ nhà. Với những tháng đắt khách, Tuấn còn dư ra một khoản tiền lời. “Những thời điểm khách đặt nhiều, mình đi về nhà bố mẹ ngủ”, Tuấn cho biết thêm.

Cũng như Tuấn, Hoàng Nam Giang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang chia sẻ lại một phòng trong căn hộ của mình tại dự án ở Minh Khai. Giá phòng Giang đang cho thuê là 400 nghìn đồng/đêm, chưa bao gồm phí dịch vụ và bể bơi. Khách thuê chủ yếu là người nước ngoài đi du lịch độc thân, hoặc đi theo nhóm.

Giang cho hay, hiện phòng Giang ở cũng rao cho thuê. Nếu có khách, Giang sẽ dọn sang chỗ khác. Căn hộ này Giang được bố mẹ mua cho nên khi khách thuê phòng, Giang có thêm một nguồn tài chính.

“Khách thuê phòng toàn là người nước ngoài lịch sự nên mình cũng không lo lắng cho lắm. Mình còn được học rất nhiều từ họ, họ cũng khá vui vẻ”, Giang nói.

Nở rộ dịch vụ chia sẻ chỗ ở

Trào lưu tìm và cho thuê nơi ở thông qua ứng dụng đang ngày càng phát triển thế giới. Tại Việt Nam, gần đây đã có nhiều người tham gia mạng lưới này, nhưng số lượng phòng cho thuê tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đơn vị quản lý sẽ thu phí 3% từ người cho thuê chỗ ở và 12% đối với khách thuê trọ cho mỗi giao dịch được thực hiện thành công qua trang web của công ty.

Khách thuê được sử dụng nhiều dịch vụ chung của gia đình

Khách du lịch nước ngoài yêu thích dịch vụ này, nhất là giới trẻ thuộc thế hệ lớn lên cùng Internet. Bởi, người dùng có thể kiếm được một nơi lưu trú ngắn hạn chất lượng cao có giá rẻ hơn khách sạn thông thường.

Bên cạnh đó, khách du lịch có cơ hội trao đổi văn hóa và có những trải nghiệm như một người dân bản địa thực sự, trong cùng ngôi nhà của người dân địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm để có khách thuê, Giang cho hay, quan trọng vẫn là cần tiếp đón chu đáo và dịch vụ tốt. Khách thuê phòng chủ yếu muốn được trải nghiệm cùng người dân bản địa nên mình phải tư vấn cho họ những thông tin cần thiết như đi từ sân bay tới chỗ ở thế nào, dịch vụ quanh toà nhà ra sao, các điểm du lịch hấp dẫn,... Giang còn cẩn thận làm tờ rơi và các bản hướng dẫn cho khách một cách chi tiết nhất và luôn hỗ trợ 24/24.

Tuấn thì nói rằng, khách sẽ đánh giá chủ nhà cho thuê thế nào nên dịch vụ không tốt sẽ không có khách. Nhờ chăm sóc khách tốt nên mình có khách đều đặn. Rất nhiều khách đi công tác hứa là lần sau có nhu cầu sẽ gọi trực tiếp. Do đó, việc này có thể duy trì nhiều năm, kiếm được khá nhiều tiền từ khách cũ nếu làm tốt khâu dịch vụ.

Là một dịch vụ mới mẻ tại Việt Nam, chưa có cơ chế và cơ quan quản lý nên nhiều người lo ngại sẽ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự. Một số nhân viên quản lý khách sạn còn cho rằng, dịch vụ này ảnh hưởng tới doanh thu của họ.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP