Ảnh minh họa |
Tiết kiệm khoản tiền nhàn rỗi chính là kênh đầu tư hiệu quả, do vậy, trước khi gửi tiết kiệm, các bạn cũng cần phân tích kỹ lưỡng nhu cầu tài chính trong tương lai của gia đình, nếu như bạn có số tiền lớn, bạn có thể lựa chọn hình thức gửi dài hạn nhằm có được mức lãi suất cao hơn, tuy nhiên, với những khoản tiền nhỏ phát sinh hàng tháng, bạn có thể lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm gửi góp để tích lũy được một khoản đáng kể trong tương lai. Việc cân nhắc kỹ lưỡng số tiền mà bạn đang có sẽ giúp bạn có thể tránh được trường hợp phải rút tiền trước hạn.
Tuy nhiên, khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, nếu bạn chỉ quan tâm đến việc gửi ngân hàng nào để được hưởng lãi suất cao nhất thì đó chưa phải là cách quản lý tài chính cá nhân thực sự thông minh.
Các ngân hàng hiện nay, có thể chia một cách nôm na ra làm 3 nhóm:
Nhóm 1: những ngân hàng lớn gốc nhà nước hay còn gọi là Big 4 gồm Vietcombank, Agribank, BIDV & Vietinbank.
Nhóm 2: những ngân hàng TMCP như ACB, SCB, Đông Á, Bank, VPBank, Seabank, Techcombank....
Nhóm 3: những ngân hàng TNHH nước ngoài như Standard Charter, ANZ, HSBC, Indovinabank, Shinhanbank Maybank....
Các hình thức tiết kiệm được các ngân hàng thiết kế rất nhiều kỳ hạn để người dân linh hoạt lựa chọn. Kỳ ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng; dài trên 12 tháng). Có ngân hàng đang có những sản phẩm tiền gửi chỉ 1, 2, 3 tuần.
Để gửi tiết kiệm, trước tiên bạn nên chọn ngân hàng uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao. Để biết được điều này, bạn có thể tham khảo các dữ liệu từ báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm.
Ngoài ra, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng nên được cân nhắc vì nó sẽ tạo thuận lợi cho bạn khi muốn giao dịch.
Do đó, tùy vào tình hình thực tế, trước khi gửi nên cân nhắc kỹ và so sánh sẽ gửi kỳ hạn nào là phù hợp nhất. Nếu bạn chưa thu xếp ổn thỏa kế hoạch tài chính trong thời gian tới thì chỉ nên gửi kỳ hạn ngắn. Bởi khi có việc gấp cần rút tiền mà chưa đến thời gian đáo hạn, khoản tiền của bạn sẽ nhận lãi suất không kỳ hạn rất thấp hoặc thậm chí không có lãi.
Trong trường hợp bạn vẫn phân vân chưa biết nên chọn kỳ hạn nào thì có thể cân nhắc việc chia nhỏ khoản tiền gửi của mình. Chẳng hạn thay vì gửi cùng lúc 100 triệu đồng theo kỳ hạn một năm, bạn có thể gửi 30 triệu đồng cho kỳ hạn ngắn một hoặc 3 tháng, còn 70 triệu đồng kia thì gửi một năm. Như vậy, bạn sẽ yên tâm nếu có phát sinh ngoài dự kiến cần sử dụng đến tiền thì vẫn có thể linh hoạt xử lý mà không phải rút hết trước hạn.
Ngược lại, nếu bạn đã phân chia các khoản tiền rõ ràng thành hai loại: khoản chi tiêu hàng tháng và khoản để gửi ngân hàng thì bạn có thể chọn kỳ hạn dài trên một năm để có mức lãi suất tốt.
Tuy nhiên, với loại gửi dài, khi đến hạn, bạn cần đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán. Trường hợp muốn gửi tiếp thì bạn cũng nên đến làm thủ tục đáo hạn. Điều này vừa giúp bạn có thể kiểm soát được số tiền gốc và lãi của mình sau mỗi kỳ hạn gửi, đồng thời có thể thương lượng lại với ngân hàng để hưởng mức lãi suất mới có lợi hơn.
Hiện nay để thu hút tiền gửi và để cạnh tranh, các ngân hàng triển khai các chương trình khuyến mại (rút thăm trúng thưởng, nhận quà tặng,…) hay thêm những tiện ích khi khách hàng gửi tiền. Vì vậy, khi gửi thì bạn nên hỏi kỹ để được hưởng các dịch vụ và tiện ích này.
Tác giả: Mai An
Nguồn tin: antt.vn