Từ tháng 9/2017 đến tháng 11/2018, sau 15 tháng triển khai thực hiện tại Nhà máy chế biến tinh bột Long Giang, bằng nguồn nguyên liệu sẵn có của Cty và quy trình công nghệ do Viện Công nghệ sinh học chuyển giao, đề tài đã sản xuất được 150 tấn thức ăn dạng ướt với 78 lần lên men; thời gian ủ lên men mỗi khối từ 5 - 7 ngày để đảm bảo quá trình lên men và độ pH ổn định.
Kết quả bước đầu cho thấy, thức ăn bã sắn sau khi lên men có chất lượng cao hơn hẳn so với bã sắn tươi; tỷ lệ protein thô, mật độ các lợi khuẩn và nồng độ axit hữu cơ tăng mạnh; hàm lượng xơ giảm mạnh và không phát hiện các độc tố HCN, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn samonella, aflatoxine... Khi cho bò, lợn đều ăn rất tốt.
Hiện tại, Cty có nhà máy chế biến tinh bột sắn đang sản xuất ổn định, sản lượng bã sắn thu được từ hoạt động chế biến khoảng 400 nghìn tấn/năm. Vì vậy, việc chế biến thức ăn chăn nuôi từ bã sắn bằng công nghệ lên men sẽ thành nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng cạnh tranh được với các nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.
Để đánh giá chất lượng sản phẩm, thời gian tới, Cty sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình lên men từ bã sắn; đồng thời có kế hoạch liên kết với một số trang trại, hộ chăn nuôi... sử dụng nhằm theo dõi khả năng sinh trưởng, sinh sản của các đối tượng vật nuôi trước khi sản xuất số lượng lớn để cung ứng ra thị trường.
Tác giả: NGUYỄN TRUNG HIỂU
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam