Nhân ái

Mẹ qua đời, bé trai 7 tuổi bị bệnh thiếu máu lâm cảnh bơ vơ

Cha vô công rồi nghề bỏ bê nên mẹ đưa Phúc vào Sài Gòn sinh sống. Ai ngờ được vài tháng thì người mẹ qua đời vì quá lao lực. Giờ Phúc bơ vơ, sống dựa vào tình thương của dì và các học trò của ông nội để có miếng ăn, có tiền truyền máu.

Mẹ vì con lao lực đến chết

Chị Nguyễn Thị Lưu (sinh năm 1985, ngụ xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sinh ra trong 1 gia đình đông con mà nghèo khó nên phải nghỉ học từ nhỏ, sớm vào TPHCM bươn chải đủ nghề kiếm sống và kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em. Suốt tuổi trẻ chị cắm mặt trong các nhà xưởng lao động kiếm tiền nên không có thời gian lo cho hạnh phúc của riêng mình. Mãi năm 2010 chị mới gá nghĩa với ông Nguyễn Đình Thìn (sinh năm 1964), là 1 người đàn ông trung niên ít học và không có nghề nghiệp ở địa phương.

Những tưởng kiếm nơi nương tựa nhưng không ngờ chồng không chí thú làm ăn, 1 mình chị Lưu phải vất vả làm việc lo cho cả gia đình. Vì ở quê ít việc nên sau khi sinh cháu Nguyễn Đình Hữu Phúc (sinh năm 2011) thì chị Lưu để con lại cho chồng chăm sóc, còn mình thì vào TPHCM bán rau ở chợ Thị Nghè kiếm tiền gửi về nuôi chồng, nuôi con.

Tết năm 2018, khi chị về quê thăm con trai thì thấy Phúc gầy rộc, da dẻ xanh xao, đau ốm triền miên nên trách chồng bỏ bê con cái, chị đưa con vào TPHCM sống cùng mình. Vừa vào Sài Gòn ổn định được vài tháng thì Phúc lại sốt. Cơn sốt cao kéo dài nhiều ngày, bé nôn mửa nhiều khiến chị Lưu sợ hãi, đưa con đến bệnh viện Nhi đồng điều trị.

Khi cơn sốt bị đẩy lùi, bác sĩ cho biết Phúc bị chứng bệnh nan y hiếm gặp: thiếu máu bẩm sinh nặng (thalassemia) với tình trạng cụ thể là tủy tăng sinh hồng cầu, tiểu cầu giảm số lượng và nở to. Do căn bệnh này mà Phúc thường xuyên đau yếu khi máu bị thoái hóa, phải truyền máu thường xuyên để duy trì sự sống.

8 tuổi nhưng Phúc bé choắt, gầy teo vì căn bệnh thiếu máu bẩm sinh

Theo bác sĩ điều trị, trẻ bị thalassemia dễ chết sớm, nhất là vì suy tim hay nhiễm trùng. Nếu không chữa trị kịp thời thì dù truyền máu thường xuyên đi nữa, qua thời gian dài lá lách, gan và tim cũng sẽ sưng to. Xương bị xốp và dễ gãy, cấu trúc của xương mặt bị thay đổi. Vì hồng cầu vỡ sớm hơn bình thường nên tủy xương phải làm việc quá sức (để sản xuất hồng cầu) khiến xương biến dạng… Muốn chữa trị dứt điểm thì chỉ có liệu pháp ghép tủy nhưng chi phí rất đắt đỏ, lên đến cả tỷ đồng.

Nghe bệnh tình của con trai, người mẹ trẻ như rơi vào tuyệt vọng. Chị Lưu điên cuồng làm việc bất kể ngày đêm để có tiền cho con đi viện, tích cóp từng đồng để mong có tiền cho bé ghép tủy, dù lâu lâu chị hay bị cơn đau bụng kéo dài nhưng chị cứ mua thuốc giảm đau uống cầm cự chứ không dám đi viện để dành tiền lo cho con.

Được vài tháng thì chị Lưu ngã bệnh, nôn ra máu. Khi vào bệnh viện thì các bác sĩ lắc đầu bởi chị bị viêm loét dạ dày nghiêm trọng đến mức thủng, suy gan, suy tim và đặc biệt là suy nhược sức khỏe do lao lực kéo dài nên không chịu nổi sức thuốc để điều trị. Cuối tháng 8/2018, nằm viện được vài ngày thì chị Lưu qua đời, gửi gắm đứa con nhỏ bệnh tật cho người em gái là chị Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1988).

Chị Bình chẳng dám nghĩ đến chuyện chồng con mà cố làm việc để chạy chữa cho cháu

Dì lo cháu không tiền chạy chữa

Theo chị Nguyễn Thị Bình, hiện thu nhập hàng tháng của chị gói ghém lắm mới đủ cho 2 dì cháu ăn uống và trả nhà trọ, còn tiền thuốc cũng như vào máu hàng tháng cho bé Phúc thì hầu như không thể chi trả. May mắn là mấy tháng gần đây được các bác từng là học sinh của ông nội Phúc biết hoàn cảnh nên ghé thăm, cho ít tiền giúp đỡ, cộng với số tiền mà trường bé Phúc học hỗ trợ nên chị mới có tiền chữa trị cho Phúc mấy tháng nay.

Chú Nguyễn Trọng Khoan (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết: “Chúng tôi là học trò lớp 9 của ông nội Phúc cách đây cũng gần 60 năm rồi. Hồi ấy thầy dạy giỏi nên học sinh khóa tôi sau này thành tài vẫn hay về thăm thầy. Rồi anh em hùn hạp nhau lo cho cậu con trai Nguyễn Đình Thìn của thầy hay bệnh tật. Nay lại đến cháu nội thầy bệnh hiểm nghèo, mà chúng tôi đều hơn 70 rồi, hưu cả, sống dựa vào ít đồng lương hưu nên có lòng mà không có sức”.

Hàng tháng ông Khoan trích 1 phần lương hưu của mình để đến giúp cho cháu nội của người thầy xưa

Phúc hí hửng bên chiếc cặp sách mà học trò của ông nội tặng cho năm học mới

Chị Bình bảo: “Bác sĩ nói bệnh này muốn trị dứt điểm phải ghép tủy, chi phí hơn 2 tỷ đồng nên em cũng không mong mỏi gì đến việc chữa trị. Hiện em chỉ dám cho bé uống thuốc bổ, tạo máu, khi thiếu máu thì đi truyền định kỳ cũng đã tốn mỗi tháng 3 – 4 triệu đồng. Chưa kể bé thiếu máu nên rất hay bị các loại bệnh thông thường, mà mỗi khi bệnh thì rất khó lành nên chữa trị rất tốn kém”.

Dù bệnh của Phúc chỉ mới phát gần 1 năm nay, mỗi tháng chỉ phải truyền máu 1 lần nhưng em đã có dấu hiệu vàng da, gan và lá lách sưng to nên chị Bình rất lo lắng. Vì hoàn cảnh khó khăn nên thường chị không đưa bé đi khám định kỳ như bác sĩ dặn mà khi nào có tiền mới dám đi. Hoặc khi nào Phúc bệnh, sốt hay có biểu hiện thiếu máu nghiêm trọng thì mới vay tiền để đưa Phúc đi chữa.

Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình Phúc, gia đình cháu thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay

Tại Sài Gòn, 2 dì cháu Phúc chui rúc trong căn phòng trọ tầm 6m2 này nhưng tiền thuê đã chiếm hết 1/3 thu nhập của Bình

Chị Bình nghẹn ngào chia sẻ: “Giờ mỗi tháng 3 – 4 triệu duy trì sự sống cho cháu em cũng không có. Em hiện làm ở 1 nhà hàng chay ở quận 3. Trước em làm ngày 3 ca cũng được 7 – 8 triệu mỗi tháng. Nay em phải về trước 16h chiều để đưa đón Phúc đi học nên chỉ làm 2 ca, thu nhập giảm chỉ có tầm 5 triệu mỗi tháng nên chỉ đủ 2 dì cháu sinh hoạt, trả tiền nhà trọ. Nhiều khi thấy cháu thiếu máu xanh xao, đau ốm em cũng ráng chạy đi vay mượn để đưa cháu đi viện. Tháng rồi bác sĩ bảo phải điều trị tích cực, nếu không diễn biến bệnh cháu ngày càng xấu nhiều hơn thì khó trị nhưng em biết làm sao đây!”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 3261: Chị Nguyễn Thị Bình (dì bé Nguyễn Đình Hữu Phúc)

Điện thoại: 0797119016

Địa chỉ: Phòng trọ số 1, khu nhà trọ số 66 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP