Cầu treo Đồng Tân, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vừa xuống cấp, vừa chật hẹp. |
Kim Tiến là thôn duy nhất của xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa nằm biệt lập bên kia sông Gianh với 104 hộ dân và hơn 300 nhân khẩu. Trước đây, từ trung tâm xã đến Kim Tiến phải đi đò ngang, trong mùa mưa lũ, ách tắc giao thông kéo dài nhiều ngày. Năm 2005, cầu treo Kim Tiến được Dự án ICCO đầu tư xây dựng trong sự vui mừng của người dân địa phương. Mặc dù cầu chỉ dành cho phương tiện thô sơ, xe mô-tô và người qua lại song nhờ thế đã chấm dứt cảnh cách sông trở đò phiền toái và tiềm ẩn mối nguy hiểm trong những ngày mưa lũ.
Nhưng qua thời gian dài sử dụng, cầu treo Kim Hóa đã xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, cầu đã hết thời hạn sử dụng. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong duy tu, bảo dưỡng, tuy nhiên, phần ván mặt cầu nhiều chỗ bị hỏng, hệ thống cáp, thanh treo bị chùng, võng xuống, các thanh giằng bị gỉ sét. Để bảo đảm an toàn, mới đây, huyện Tuyên Hóa đã trích kinh phí mua thép gia cố các đoạn giằng, néo bị hư hỏng và thay thế các tấm ván mặt cầu bị mục để người dân qua lại đỡ lo lắng hơn.
Trưởng thôn Kim Tiến Phan Xuân Can cho biết, dù chiếc cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng đó là chiếc cầu nối không thể thiếu của hơn 100 hộ dân trong thôn với trung tâm xã và bên ngoài. Hằng ngày, cầu treo này vẫn là nơi qua lại của hàng trăm người dân và các em học sinh. Dù tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bà con lo lắng nhưng không còn cách nào khác.
Cũng theo ông Can, nhiều năm qua, cầu treo cũng chỉ mới giải quyết được việc đi lại, còn các vấn đề khác như xây dựng, kiến thiết nông thôn, phát triển sản xuất thì thôn Kim Tiến còn gặp nhiều khó khăn do phương tiện cơ giới không thể đi qua cầu treo được. Thông thường, mỗi khi mua vật liệu xây dựng về làm nhà, mua - bán cây giống hoặc gỗ rừng trồng, sản phẩm nông nghiệp... xe ô-tô tải đổ bên kia bờ sông Gianh, từ đó người dân Kim Tiến phải dùng xe máy hoặc xe ba-gác chở từng chuyến về nhà hoặc đến nơi sản xuất, gây nhiều phiền toái và tốn chi phí. Vì thế, sản phẩm nông, lâm nghiệp ở thôn Kim Tiến đều phải bán với giá rẻ do phương tiện cơ giới không thể đến tận nơi được.
Không riêng gì xã Kim Hóa mà ngay tại thị trấn Đồng Lê, cầu treo Đồng Tân cũng đã qua 20 năm sử dụng, đến nay đang xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn phải phục vụ người dân qua lại mỗi ngày. Quan sát cầu, chúng tôi thấy, nhiều hạng mục của công trình như cáp treo, ván mặt cầu, thanh treo, giằng gió đã xuống cấp và han gỉ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Em Trần Thị Quỳnh Nhung, học sinh Trường THCS thị trấn Đồng Lê chia sẻ: “Mỗi lần đi học về qua cầu cứ dập lên dềnh xuống sợ lắm, nhiều tấm ván cầu cũng hỏng rồi, cháu rất mong muốn có được một cây cầu mới kiên cố, để đi học an toàn hơn”.
Ông Nguyễn Nam ở thôn Đồng Tân cho biết thêm, tuy khẩu độ cầu treo Đồng Tân không rộng như các cầu treo khác nhưng chắc là trước đây do kinh phí hạn chế cho nên mặt cầu được làm khá hẹp, hai xe máy tránh nhau rất khó. Bây giờ cầu xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân qua lại. Thêm vào đó, mặc dù là thị trấn trung tâm huyện lỵ nhưng xe ô-tô chưa đến được thôn Đồng Tân gây nhiều trở ngại, khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tuyên Hóa, chính quyền địa phương đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Quảng Bình kiểm tra hiện trạng các cây cầu ở đây để có biện pháp sửa chữa, gia cố nhằm kéo dài tuổi thọ các cầu treo. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế cho nên việc duy tu, bảo dưỡng cũng chỉ tập trung vào các hạng mục bị hư hỏng nặng. Qua thời gian sử dụng, cầu lại tiếp tục xuống cấp và hư hỏng. “Để bảo đảm an toàn cho người dân đi trên các cầu treo, trước mùa mưa bão năm 2020, UBND huyện bố trí 200 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng cho bốn trong tổng số năm cây cầu treo đã hết thời hạn sử dụng.
Mặt khác, huyện cũng đã chỉ đạo các xã cắm các biển cảnh báo hạn chế tải trọng, chứ không thể cấm, vì người dân không có đường nào khác để đi lại. Còn về phương án đầu tư xây dựng cầu bê-tông hoặc ngầm tràn để bảo đảm kiên cố, bền vững, cần nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách huyện cho nên cần sự quan tâm đầu tư của cấp trên”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết.
Hầu hết những cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, huyện Tuyên Hóa nói riêng đều nằm trên các tuyến đường huyết mạch ở các vùng cồn, bãi, nơi khó khăn do địa hình chia cắt. Ở các khu vực này có hàng trăm hộ dân sinh sống và có nhiều tiềm năng để phát triển nông, lâm nghiệp. Các nơi có nhiều cầu treo đều là địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nguồn thu thấp nên không đủ kinh phí duy tu, sửa chữa cầu mà chỉ làm theo hình thức chắp vá, chưa có tính ổn định lâu dài.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Bình cần sớm chỉ đạo ngành giao thông vận tải phối hợp chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng trước mắt. Về lâu dài, tỉnh cần có kế hoạch đầu tư xây dựng những chiếc cầu kiên cố hoặc có phương án phù hợp để bảo đảm đi lại cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn.
Trước đây, thôn Kim Tiến còn nhiều khó khăn nhưng hiện nay nhờ phát huy được tiềm năng đất đai, đời sống người dân đã có sự thay đổi lớn. Nhiều hộ nhờ trồng rừng kinh tế, cây cao-su, cây bưởi... cho nên thu nhập cao. Vì thế, chiếc cầu vững chãi bắc qua sông Gianh không chỉ giúp bà con đi lại thuận lợi mà còn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
|
Cầu treo Kim Tiến hiện hết hạn sử dụng, các hạng mục đã xuống cấp. Huyện vừa tu bổ một số hạng mục như thay thế một số thanh gỗ mặt cầu, sơn lại các điểm bị gỉ, tra dầu mỡ vào các điểm khớp nối. Về lâu dài, mong cấp trên quan tâm, xây dựng cầu kiên cố để thôn Kim Tiến và người dân xã Kim Hóa đi lại được thuận lợi hơn.
|
Tác giả: Hoàng Phúc
Nguồn tin: Báo Nhân dân