Số hóa

Mạng viễn thông 4G: Chất lượng có như quảng cáo?

Tính tới thời điểm hiện tại, trong số 4 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G tại Việt Nam thì đã có 3 đơn vị đang rất tích cực triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, mạng 4G vẫn chưa thực sự nhận được sự tin tưởng cao từ phía khách hàng.

Người dùng chưa hài lòng

Không chỉ chạy đua trong việc triển khai hạ tầng, mở rộng vùng phủ sóng mà ngay trên khía cạnh truyền thông các thông điệp cũng như cam kết đầy hấp dẫn cũng liên tục được MobiFone, VNPT hay Viettel tung ra khi nói về 4G.

Theo đó, các nhà mạng liên tục khẳng định, tốc độ của 4G sẽ cao gấp khoảng 7 lần so với 3G, có thể lên tới 40-80Mbps, thậm chí ở điều kiện lý tưởng sẽ lên được mốc 230Mbps, thông số lý tưởng của mạng tốc độ cao này. Nhà mạng cam kết là vậy nhưng trên thực tế, theo phản hồi của người dùng, việc trải nghiệm 4G vẫn còn có khoảng cách khá xa so với quảng cáo.

Các nhà mạng đang cạnh tranh nhau, thu hút khách hàng nhờ dịch vụ viễn thông 4G. Ảnh: Phạm Hùng

Sau một tháng trải nghiệm 4G của MobiFone, anh Lê Minh (quận Long Biên, Hà Nội) cảm thấy khá thất vọng. Theo anh Minh, tốc độ trung bình của mạng 4G chỉ đạt khoảng 15 - 17Mbps, thỉnh thoảng mới đạt được 20Mbps, còn đến mức 40Mbps theo cam kết của nhà mạng thì khá hy hữu. Bên cạnh đó, việc truyền file dung lượng lớn như video, ảnh ... bằng 4G cũng không ổn định bằng WIFI.

Là một trong những khách hàng sử dụng 4G của MobiFone từ những ngày đầu tiên, anh Hoàng Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh, đến thời điểm này vẫn có nhiều khiếm khuyết khiến anh không thực sự hài lòng. Đầu tiên là mạng không ổn định, nhiều thời điểm chỉ cần di chuyển vào trong tòa nhà mình làm việc là mạng 4G tự động chuyển thành 3G hoặc thậm chí mất luôn cả ký hiệu hiển thị mạng.

Theo một cuộc khảo sát mới đây dành cho 14.000 người dùng mạng 4G tại Việt Nam của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG cũng cho thấy, mạng này vẫn chưa thực sự nhận được sự tin tưởng cao từ phía khách hàng. Cụ thể, sau khoảng 6 tháng 4G được triển khai trên diện rộng tại nước ta, chỉ có 47% người dùng hài lòng với 4G, còn số người đánh giá chất lượng ở mức độ bình thường là 47% và ở mức kém là 6%.

Tránh “vết xe đổ” của 3G

Đã có hơn 12 năm triển khai tại Việt Nam nhưng đến thời điểm này, người dùng có thể khẳng định mạng 3G chính là điển hình của việc nhà mạng "thất hứa". Chất lượng, tốc độ mạng cũng như tính ổn định luôn được nhà mạng đưa ra bằng các thông số lý tưởng nhằm mời chào người dùng, song cũng từng ấy thời gian các cam kết trên chưa bao giờ được thực hiện. Đây cũng là tình trạng muôn thủa của kết nối internet Việt Nam: Nhà mạng hứa một đằng nhưng làm một nẻo!

Mặc dù 4G ở Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng cũng như chủ yếu tập trung cho các TP lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhưng với nhiều khúc mắc của người dùng, rất khó khẳng định mạng này có thể được triển khai đúng theo cam kết của nhà mạng trong thời gian tới hay không.

Muốn nhà mạng không lặp lại tình trạng "thất hứa" như với 3G và đảm bảo làm đúng những gì cam kết với 4G không chỉ là mong muốn của riêng người dùng mà đây cũng là yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cụ thể, vào tháng 3/2017, Thủ tướng đã khuyến cáo các nhà mạng cung cấp 4G phải là 4G thực chứ không phải là 3G+.

Về phía đơn vị Nhà nước chịu trách nhiệm trong mảng viễn thông, Bộ TT&TT cũng khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của mạng 4G. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã đưa ra cam kết, Bộ sẽ kiểm tra định kỳ và đo kiểm đột xuất chất lượng 4G của các nhà mạng. Nếu nhà mạng không đảm bảo được đúng theo cam kết với khách hàng, Bộ sẽ có biện pháp xử lý mạnh.

Đưa ra lời khuyên tới các nhà mạng về việc triển khai 4G tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam cho rằng cần thận trọng, tránh tiếp tục rơi vào "vết xe đổ" như với 3G trước đây.

Người tiêu dùng có yêu cầu ngày càng cao, sẵn sàng bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ nhưng phải có được chất lượng như mong muốn. Hơn nữa, lượng người dùng internet di động ở Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất khu vực nên tiềm năng thị trường còn rất lớn. Bởi vậy, các nhà mạng cần tập trung vào hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng thì mới có thể thu hút được số đông khách hàng.

Tác giả: HÀ THANH

Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP