Trong nước

Lực lượng Kiểm lâm được nổ súng trong những trường hợp nào?

Cục Kiểm lâm cho biết, đơn vị này đã trang bị 105 súng quân dụng, bao gồm súng tiểu liên AK và súng K59 cho Chi cục kiểm lâm Yên Bái. Vậy trong trường hợp nào thì lực lượng Kiểm lâm được nổ súng...

Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, được xác định là nghi phạm dùng súng K59 bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy), sau đó tự sát sáng 18/8.

Ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân gây án và các tình tiết liên quan.

Về tình hình trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Cục Kiểm lâm cho biết đơn vị này được trang bị 105 súng quân dụng bao gồm súng tiểu liên AK và súng K59. Ngoài ra lực lượng kiểm lâm địa phương này cũng được trang cấp thêm súng bắn đạn hơi cay, cao su; dùi cui cao su; dùi cui điện; bình xịt cay...

Liên quan đến sự việc sử dụng súng của cán bộ kiểm lâm, đặc biệt trong vụ án nghiêm trong xảy ra tại Yên Bái vừa qua, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Luật sư Trần Huy Tuấn, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh để hiểu rõ vấn đề.

Luật sư Tuấn cho hay: Theo nghị định 25/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí quân dụng gồm súng ngắn, súng tiểu liên và các loại đạn dùng cho các loại súng này.

Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22/1/2014 giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công an Quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công vụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, kiểm lâm được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và các loại công cụ hỗ trợ khác như dùi cui điện, dùi cui cao su, áo giáp, mũ chống đạn, găng tay bắt dao, khóa số 8, động vật nghiệp vụ...

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui cao su, phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng bắt dao, mũ chống đạn.


Lực lượng Kiểm lâm được trang bị vũ khí (ảnh minh họa).

Ngoài ra, Pháp lệnh 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Pháp lệnh 07/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh 16/2011 đã nêu rõ đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng trong đó có Kiểm lâm; Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu... được sử dụng khi thi hành công vụ nếu thấy cần thiết theo quy định.

Trong nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng có hành vi cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Như vậy, trường hợp người được nổ súng phải tuân theo quy định của pháp luật khi thực hiện công vụ. Tuy nhiên với trường hợp của ông Đỗ Cường Minh, sử dụng súng đạn là hoàn toàn sai quy định vì mục đích riêng tư, Luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Do đó, với sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua, các đơn vị cần có phương án quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng vũ khí, tránh tối đa việc nổ súng không cần thiết, trái với quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Nhung Dương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP